‘Đại bàng’ và ‘rồng’ thép Trung Quốc vượt mặt mọi đối thủ?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 14:30, 19/11/2022

Ngành công nghệp quốc phòng của Trung Quốc ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng nể, nhất là không quân.

Máy bay tiên tiến của Trung Quốc ngày càng có nhiều thị trường mới

Không quân Trung Quốc có thể được gọi là một trong những lực lượng tiên tiến nhất trên thế giới. Máy bay giá rẻ của Trung Quốc được bán tích cực ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Và máy bay tiên tiến của Trung Quốc cũng ngày càng có nhiều thị trường mới.

Trung Quốc đã hoàn thành một thỏa thuận quốc phòng rất “béo bở”. Không quân Myanmar đã đặt hàng một lô máy bay chiến đấu hạng nhẹ FTC-2000G do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Quý Châu (GAIC) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc sản xuất.

Các chi tiết của việc giao hàng không được chính quyền Myanmar và Trung Quốc công bố chính thức. Thỏa thuận được ấn phẩm Irrawaddy của Myanmar thông báo ngắn rằng: “Một nhóm lớn các phi công, kỹ thuật viên và chuyên gia hậu cần đã đến thành phố Côn Minh của Trung Quốc”.

Một chiếc máy bay FTC-2000 trong một buổi biểu diễn tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc 2022 (AirShow China 2022). (Ảnh: AP)

Về thông tin này, Trung tâm phân tích của Mỹ Janes, nơi giám sát tất cả các báo cáo về việc giao vũ khí đã nhận định, các phi công Myanmar làm quen với máy bay và học cách lái chúng. Đơn đặt hàng có thể được đặt vào năm 2020. Tuy nhiên, việc giao hàng và đào tạo phi công đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19 và chính sách nghiêm ngặt của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

FTC-2000G được gọi là “Đại bàng núi” trong tiếng Trung Quốc. Đây là phiên bản cơ bản mô phỏng siêu thanh hai chỗ ngồi với động cơ tuốc bin phản lực do GAIC sản xuất. Theo cơ quan Janes, đây là loại máy bay đa năng giá rẻ được thiết kế cho thị trường xuất khẩu. Một chiếc như vậy có giá khoảng 8,5 triệu USD. Để so sánh, chiếc máy bay đắt nhất của Trung Quốc, tiêm kích đa năng Chengdu J-20 thế hệ thứ năm, có giá hơn 100 triệu USD.

Máy bay Trung Quốc sẽ được sử dụng cho các hoạt động đặc biệt chống lại phiến quân. Hơn nữa, trong Không quân Myanmar, các phi công có nhiều kinh nghiệm với các loại máy bay khác của Trung Quốc - đó là tiêm kích Thành Đô F-7M, máy bay cường kích Nam Xương Q-5A và máy bay huấn luyện Hongdu K-8W Karakorum.

Nếu kinh nghiệm sử dụng “Đại bàng núi” chống lại quân nổi dậy Myanmar thành công, thì Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng mở rộng thị trường. Bởi vì, hiện nay nhiều quốc gia cần máy bay giá rẻ để chống lại các tay súng, khủng bố và phe ly khai.

Một thị trường khổng lồ cho máy bay đa năng của Trung Quốc là châu Phi, nơi đang diễn ra một số cuộc nội chiến. Hơn nữa, Trung Quốc đang tăng nhanh việc cung cấp thiết bị cho các quốc gia châu Phi.

Phi công Trung Quốc do người Anh dạy

Chiến lược quân sự của Trung Quốc dựa trên nguyên lý của Binh pháp Tôn Tử “Chiến tranh tốt nhất là đánh bại các kế hoạch của kẻ thù”. Nắm bắt được các thị trường mới cho vũ khí, người Trung Quốc đang khai thác những điểm yếu của phương Tây, đặc biệt là về lợi ích kinh tế.

Thực tế, các phi công quân sự phương Tây đang làm việc ở Trung Quốc và kiếm được số tiền khổng lồ nhờ đào tạo các đồng nghiệp từ Không quân Trung Quốc. Ít nhất 30 phi công tiền phương đã nghỉ hưu từ Không quân Hoàng gia Anh đã làm việc tại Trung Quốc theo hợp đồng.

Người Anh đã được thuê để chuyển giao kinh nghiệm bay các loại máy bay phản lực tốc độ cao như Panavia Tornado và Eurofighter Typhoon. Các phi công Trung Quốc đã được đào tạo trên lãnh thổ trung lập - tại Học viện Thử nghiệm Bay của Nam Phi (TFASA).

Bộ Quốc phòng Anh vô cùng phẫn nộ trước cách kiếm sống của các phi công đã nghỉ hưu. Các phi công được “khuyến cáo” ngừng mọi công việc với người Trung Quốc. Đúng như vậy, Bộ Quốc phòng Anh không loại trừ khả năng Bắc Kinh cũng có thể thuê các phi công giàu kinh nghiệm từ các nước phương Tây khác, từ Canada đến Mỹ, để huấn luyện phi công cho Trung Quốc.

Đồng thời, nhận định về thương vụ của Myanmar cho thấy, vũ khí của Trung Quốc đang ngày càng được các nước thế giới thứ ba mua nhiều hơn.

Người Trung Quốc không ngừng cải tiến công nghệ hàng không của họ. Đặc biệt, việc phát triển một số sửa đổi mới của soái hạm Chengdu J-20 Mighty Dragon hiện đã bắt đầu. Chiếc máy bay này được Không quân chấp nhận vào năm 2017 và một chiếc máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi nguyên mẫu đã được trình làng vào năm 2021. Dự kiến, nó có thể sớm được sử dụng như một máy bay chiến thuật gây nhiễu điện tử và cảnh báo sớm.

Máy bay chiến đấu Chengdu J-20 của Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Ngoài ra, theo South China Morning Post “Mighty Dragon” sẽ có thể điều khiển một đàn máy bay không người lái.

“Trong những năm gần đây, quan điểm của các chuyên gia về vai trò của máy bay thế hệ thứ 5 trong chiến tranh hiện đại đã thay đổi. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng phi công ngồi ghế trước của chiếc J-20 hai chỗ ngồi phụ trách chuyến bay, trong khi phi công ngồi ghế sau phụ trách liên lạc, chỉ huy và gây nhiễu”, South China Morning Post cho biết.

Khi J-20 bay lần đầu tiên vào năm 2011, nó đã trở thành biểu tượng chính cho nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ vận hành máy bay chiến đấu tàng hình có tốc độ bay siêu âm.

Hạ Thảo (lược dịch)