3 kịch bản tấn công của Nga sau khi rút khỏi Kherson

Tin thế giới - Ngày đăng : 07:34, 19/11/2022

Sau khi rút khỏi thành phố Kherson, Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn vào mùa Đông khiến Ukraine khó trở tay.

Việc Ukraine giành quyền kiểm soát Kherson sau khi Nga rút khỏi khu vực này có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với Kiev. Dù Ukraine coi đây là một thành công trong nỗ lực đẩy lùi Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ, nhưng nước này có thể đối mặt nguy cơ xung đột đóng băng. Chưa kể, Nga sẽ có thời gian chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn trong mùa Đông.

Thách thức với Ukraine

Vấn đề lớn nhất đối với quân đội Ukraine sau khi chiếm lại thành phố Kherson là tiến hành các hoạt động trên bộ trong một mùa Đông khắc nghiệt. Việc băng qua sông Dnieper ở miền Nam Ukraine là không khả thi vì Ukraine nhiều khả năng sẽ phải chịu tổn thất nghiêm trọng. Lựa chọn duy nhất đối với Kiev là tăng cường tấn công cứ điểm của Nga tại khu vực Donetsk.

Tuy nhiên, điều kiện thời tiết mùa Đông sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực tấn công do băng tuyết khiến đường sá khó đi lại, giá lạnh sẽ thử thách sức chịu đựng của binh sỹ và trang thiết bị. Chưa kể sự gia tăng chi phí sinh hoạt cũng như khủng hoảng nguồn cung cấp năng lượng có thể làm giảm sự ủng hộ của các đối tác châu Âu dành cho Ukraine.

Chuyên gia Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu Nga tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (Mỹ) nhận định: “Cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Họ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Họ cần phải có thêm đạn dược. Mọi thứ sẽ tốn kém hơn”.

Giới phân tích cho rằng, Nga sẽ tiếp tục gây sức ép đối với phương Tây và Ukraine bằng con bài năng lượng và lời cảnh báo về sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các bên vượt quá “lằn ranh đỏ”. Xung đột đóng băng có thể mang lại những lợi ích nhất định cho Moscow, đặc biệt nếu hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn theo “điều kiện thực tế mới”.

Nga có thể sử dụng quãng thời gian tạm dừng giao tranh để tái cơ cấu lực lượng và tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn khi đã khôi phục được sức mạnh. Ngoài ra, Moscow cũng có thể tranh thủ thời cơ củng cố quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ đã giành được.

3 kịch bản tấn công của Nga

Trong bài bình luận đăng trang phân tích chiến sự 19 FortyFive, ông Daniel L. Davis, thành viên cao cấp của Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities và là cựu Trung tá trong quân đội Mỹ đã suy đoán về những mục tiêu khả thi mà Tổng thống Nga Putin có thể đặt ra trong cuộc tấn công vào mùa Đông.

Thứ nhất, ông Putin sẽ triển khai các lực lượng mới được huy động theo sắc lệnh động viên một phần, để củng cố tất cả phòng tuyến của Nga kéo dài từ khu vực Kharkov ở phía Bắc, lấy Donbass làm trung tâm và kết thúc tại các mặt trận Kherson/Zaporizhia ở phía nam.

Các lực lượng Nga sẽ bắt đầu đào hào sâu dọc theo chiến tuyến dài khoảng 1.600km ngăn cách các bên tham chiến. Những đơn vị quân đội mới sẽ ngay lập tức bổ sung hỏa lực đáng kể cho lực lượng phòng thủ trên mặt trận, giúp ngăn chặn các bước tiến của Ukraine. Tuần trước, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, Ukraine bắn trung bình 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày nhằm vào cứ điểm của đối phương, nhưng thừa nhận quân đội Nga đã đáp trả với số lượng đạn pháo nhiều gần gấp 3.

Nga có thể tăng gấp đôi hỏa lực trong chiến dịch mùa Đông bằng cách bổ sung thêm hàng trăm trăm khẩu pháo và bệ phóng tên lửa, điều này sẽ khiến quân đội Ukraine gần như không thể thực hiện các cuộc tấn công vượt xa chiến tuyến của họ. Các mục tiêu của Tổng thống Putin có thể là kiềm chân Ukraine trong thời gian lâu nhất có thể và tìm cách tiếp tục sáp nhập những vùng lãnh thổ mà Nga đang nắm giữ. Về cơ bản, việc tăng gấp đôi quân số và hỏa lực sẽ tạo ra lợi thế lớn cho Nga mà Ukraine rất khó bắt kịp, nhưng để làm được điều đó, Moscow cần phải có thời gian.

Trong kịch bản thứ hai, ông Putin có thể thu hẹp mục tiêu bằng cách tập trung giành quyền kiểm soát giữ toàn bộ khu vực Donbass, khu vực Zaporizhia, đồng thời tìm cách quay trở lại bờ bên kia sông Dnieper để lấy lại thành phố Kherson và phần còn lại của khu vực Kherson. Nga có thể phân bổ 45% lực lượng được huy động cho cuộc tấn công tại Donbass, 45% cho cuộc tấn công Kherson và giữ lại 10% cho lực lượng dự bị cơ động (để hỗ trợ cho cả hai mặt trận khi cần).

Ngoài 200.000 binh sỹ hiện đang chiến đấu tại Ukraine, các chỉ huy quân sự Nga cần phải có thêm 400.000 binh sỹ để thực hiện mục tiêu này. Dù việc bổ sung một lượng lớn binh sỹ như vậy có thể thực hiện được thì quân đội Nga vẫn đối mặt với một thách thức lớn là tuyến phòng thủ tương đối vững chắc của Ukraine xuyên suốt chiều dài của mặt trận Donbass. Nếu quân đội Nga nỗ lực chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine thì họ nhiều khả năng sẽ phải chịu tổn thất lớn.

Trong khi đó, nỗ lực tái chiếm thành phố Kherson cũng không hề dễ dàng. Sông Dnipro là rào cản tự nhiên lớn nhất đối với cả hai phía. Con sông này đã ngăn Ukraine di chuyển sang phía Tây để tiếp tục tấn công quân đội Nga, nhưng cũng khiến Nga gặp khó khăn khi quay trở lại bờ bên kia. Ngay khi giành được thành phố Kherson, Ukraine nhiều khả năng đã bắt đầy xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố để ngăn Nga quay trở lại. Nếu quân đội Nga muốn đạt được cả hai mục tiêu, họ phải có một phòng tuyến tương đối an toàn bao phủ 4 vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập từ tháng 9 vừa qua. Nhưng Ukraine có thể sẽ âm thầm tập hợp lực lượng để tiến hành cuộc phản công thứ hai.

Kịch bản thứ 3 là Nga thực hiện một cuộc tấn công tổng lực để vô hiệu hóa hoàn toàn khả năng của Ukraine nhằm đe dọa lãnh thổ hoặc lợi ích của Nga. Nhưng theo nhà phân tích Daniel L. Davis, đây là phương án ít có khả năng xảy ra nhất.

Về phần mình Kiev sẽ gặp nhiều bất lợi nếu để cuộc chiến đóng băng và các lực lượng Nga củng cố quyền kiểm soát với những vùng lãnh thổ họ đã nắm giữ. Chưa kể các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ luôn phải căng mình đề phòng những cuộc tấn công mới từ phía Nga. Kiev cũng lo lắng về việc phương Tây giảm ủng hộ giành cho nước này. Nỗi sợ lớn nhất của họ có lẽ là là một nhân vật có lập trường ôn hòa với Nga có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ trong hai năm tới./.