Nhiều cổ vật quý tại Triển lãm “Di sản văn hóa thành phố Hải Phòng”

Tin tức - Ngày đăng : 21:43, 18/11/2022

Triển lãm “Di sản văn hóa thành phố Hải Phòng” giới thiệu một phần kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của thành phố cảng với nhiều cổ vật quý từ thời văn hóa Đông Sơn trước Công nguyên.

Nhieu co vat quy tai Trien lam “Di san van hoa thanh pho Hai Phong” hinh anh 1Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa thành phố Hải Phòng." (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Chiều 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phối hợp với Hội Cổ vật, Hội Tiền cổ Hải Phòng khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa thành phố Hải Phòng."

Triển lãm mở cửa từ 18 đến 23/11 để chào mừng ngày Di sản Việt Nam 23/11.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai, triển lãm giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, bản trích thống kê, gần 100 hiện vật cổ vật và 50 hiện vật tiền cổ được phát hiện, sưu tầm từ rất nhiều năm trước đây.

Các cổ vật này đa dạng, phong phú, có niên đại lịch sử từ văn hóa Đông Sơn thế kỷ 1-5 trước Công nguyên tới cuối triều Nguyễn thế kỷ 20.

Cổ vật có chất liệu như đất nung, gốm, sứ, đồng, gỗ, ngà mang đậm phong cách, dấu ấn đặc trưng mỗi giai tầng xã hội sử dụng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh và kiến trúc xây dựng.

Bộ sưu tập tiền cổ là tiền kim loại theo lịch đại, bao hàm chính triều, không chính triều thể hiện phong phú của tiền tệ cổ Việt Nam qua các biến thiên lịch sử.

Nhieu co vat quy tai Trien lam “Di san van hoa thanh pho Hai Phong” hinh anh 2Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, quận Lê Chân xem khu vực trưng bày nồi và bình làm bằng đất nung thế kỷ từ 1-5 trước Công nguyên. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Hoạt động này là dịp để giới thiệu tới đông đảo người dân và khách tham quan một phần kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của Hải Phòng, đồng thời khơi dậy tình yêu, sự tự hào đối với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của thành phố để từ đó, nâng cao ý thức chung tay gìn giữ, bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa của người dân Hải Phòng.

Giới thiệu thêm về di sản Hải Phòng, bà Trần Thị Hoàng Mai cho biết, sự hình thành và phát triển của Hải Phòng gắn liền với chứng tích của người tiền sử ở di chỉ khảo cổ học Cái Bèo (Cát Bà) thuộc văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng 4000-6000 năm, với các chứng tích của con người ở di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh (Thủy Nguyên), Núi Voi (An Lão) cách đây từ 2000 năm đến 3000 năm, với truyền thuyết về Nữ tướng Lê Chân, người lập trang An Biên (nôi hình thành đô thị Hải Phòng ngày nay) vào đầu Công nguyên.

Cuối năm 2019, đầu năm 2020, phát hiện khảo cổ học về bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê và bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên đã góp phần mở ra hướng nghiên cứu mới, tổng thể hơn, toàn diện hơn và bao quát hơn về quy mô, không gian và các địa điểm là những chiến trường, nơi diễn ra các trận chiến của quân và dân vương triều Trần đánh tan đội quân xâm lược Nguyên Mông trong trận Bạch Đằng năm 1288 trên địa bàn Hải Phòng.

Hải Phòng còn là vùng đất với hàng trăm đình, đền, chùa, miếu có ở hầu hết các quận, huyện cùng những lễ hội văn hóa độc đáo như Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, đua thuyền rồng Cát Bà, tục hát đúm Thủy Nguyên, ca trù Đông Môn.

Đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, mang đậm nét văn hóa của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng vùng ven biển.

Thành phố có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 116 di tích quốc gia, 413 di tích cấp thành phố, 12 Bảo vật quốc gia.

Hải Phòng còn có 10 di sản được các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quốc tế cùng các phong tục, tập quán, lễ hội khác./.

Minh Thu (TTXVN/Vietnam+)

Minh Thu (TTXVN/Vietnam+)