Điểm tin kinh doanh 19/11: Lãi suất cho vay tăng tháng cuối năm, chạm đỉnh 16%
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 19/11/2022
- Giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc giám sát việc thực hiện cam kết, nghiêm túc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân đầu mối; công ty con, chi nhánh của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hoạt động trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung biên bản cam kết đã ký về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 7196/CĐ-BCT ngày 12/11/2022 của Bộ Công Thương về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và ký biên bản cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Cùng đó, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường địa phương rà soát, kiểm tra việc cung cấp, bán xăng dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với việc ngừng, không cung cấp xăng dầu.
- Lãi suất cho vay tăng tháng cuối năm, chạm đỉnh 16%
Lãi suất huy động liên tục tăng lên gây áp lực với lãi suất cho vay. Mức lãi suất cho vay trên 12% đã xuất hiện nhiều hơn. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay tới 16%/năm.
Lãi suất cho vay được các ngân hàng tính theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Mà lãi suất cơ sở ngày càng có xu hướng đi lên khiến lãi suất cho vay cũng tăng cao.
Đầu tháng 11, không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cơ sở mới với mức tăng khá mạnh. Cụ thể, TPBank áp dụng lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng ở mức 9,1%; kỳ hạn 3 tháng là 10,1%; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 10,2%; kỳ hạn trên 12 tháng là 10,6%.
Như vậy, lãi suất cơ sở tháng 11 này tăng khá mạnh so với trước đó. Đây là cơ sở để các ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Thông thường, các nhà băng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%.
Biểu lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng hiện tăng từ 0,5-1,2% so với đầu tháng 10. Lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở mức dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên.
Lãi suất cho vay tăng nhanh gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp và người đi vay. Các ngân hàng đang cho vay với mức lãi suất trung bình 12-14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay ở kỳ hạn 12 tháng lên tới 16%/năm.
- Ngành dệt may đặt tham vọng xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023
Xuất khẩu dệt may trong 10 tháng qua đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021, là tiền đề để toàn ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay.
Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Có thể kể đến như việc các đơn hàng tháng 11-12 năm nay, và quý 1/2023 sụt giảm, mức bình quân giảm từ 25-27%, đặc biệt với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn.
Tuy vậy, theo báo cáo của Vitas, 10 tháng qua, ngành dệt may ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp và nhiều điểm sáng. Xuất khẩu trong 10 tháng qua, đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021. Đây là nỗ lực rất lớn và là tiền đề để toàn ngành đạt xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay.
Vitas cho hay, năm nay, mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD là có thể đạt được. Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra tham vọng, đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD, tùy diễn biến thị trường nhập khẩu.
- Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo hàm lượng etylen oxit trong mì Gấu đỏ
Theo văn bản của Bộ Công Thương, ngày 15/11/2022, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan, Trung Quốc công bố lô hàng 500 CTN mỳ ăn liền tôm chua thương hiệu GẤU ĐỎ của nhà sản xuất/xuất khẩu ASIA FOODS CORPORATION, do Doanh nghiệp QIAN YU FOOD ENTERPRISE CO., LTD nhập khẩu, qua kiểm tra tại cửa khẩu, phát hiện hàm lượng Etylen oxit không phù hợp tiêu chuẩn.
Để giữ uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu khẩn trương báo cáo: Thông tin về các loại sản phẩm thực phẩm do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc trong năm 2022 và quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty; Đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện etylen oxit trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.
- Cục Hàng không lên tiếng vụ IPP Air Cargo xin dừng cấp phép
Cục Hàng không vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan đến việc Công ty cổ phần IPP Air Cargo xin rút hồ sơ và dừng thủ tục cấp giấy phép kinh doanh hàng không.
Theo đó, Cục Hàng không khẳng định, việc xin dừng cấp phép kinh doanh hàng không của IPP Air Cargo là mong muốn chủ quan của doanh nghiệp, không liên quan đến quá trình tiếp nhận, xem xét thẩm định hồ sơ từ Cục Hàng không, Bộ GTVT và Thủ tướng theo Nghị định 89/2019.
Theo Cục Hàng không, do dự án đã hoàn thành việc thẩm định tại Cục nên phí thẩm định sẽ không hoàn lại cho doanh nghiệp mà vẫn phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng công ty IPP Air Cargo đã chuyển tài khoản phong tỏa tại ngân hàng, do đã có văn bản xin dừng cấp giấy phép kinh doanh hàng không nên doanh nghiệp có thể chủ động làm việc với ngân hàng, để giải tỏa và nhận về khoản tiền này.