Thị trường thương mại điện tử TP.HCM sôi động nhất cả nước

Kinh doanh - Ngày đăng : 17:22, 17/11/2022

TP.HCM có 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) của cả nước.

TP.HCM: Mua sắm trên sàn TMĐT tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái

Đây là thông tin được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố trong Hội nghị đối thoại doanh nghiệp TMĐT TP.HCM năm 2022 do Sở Công thương TP.HCM và VECOM tổ chức sáng 17/11.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, trong năm 2022, mua sắm trên TMĐT tại TP.HCM tăng trưởng 34% so với năm 2021. Có 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát của VECOM cho rằng thị trường sẽ tốt lên sau đại dịch Covid-19 và các doanh nghiệp coi giai đoạn hiện nay là thời điểm để tiếp cận và tiến hành chuyển đổi số nhằm thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Minh Đức cũng đánh giá, các sàn TMĐT là kênh kinh doanh bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ kinh doanh, cá nhân. Điển hình như tại sàn TMĐT Tiki hiện đang có khoảng 19.670 nhà bán hàng của TP.HCM. Đây đều là các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại TP.HCM

Thống kê của VECOM cho thấy, các ngành hàng được mua sắm phổ biến hiện nay ở thị trường TP.HCM như: sách và thiết bị văn phòng đạt khoảng 6 nghìn tỷ/tháng, chiếm 16,46%; đồ dùng gia đình đạt 3,7 nghìn tỷ/tháng, chiếm 10,34%; sản phẩm liên quan sức khỏe và làm đẹp đạt khoảng 3,3 nghìn tỷ/tháng, chiếm 9,21%; và thiết bị điện tử đạt khoảng 2,6 nghìn tỷ/tháng, chiếm 7,16%.

Ngoài ra, thị phần TMĐT của các sàn lớn trong năm 2022 cũng đang có nhiều thay đổi, trong đó, Shopee đạt 70,9%, Lazada đạt 21,5%, Tiki đạt 7,1% và Sendo đạt 0,5%.

Sôi động nhưng còn nhiều bất cập

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cùng với cả nước, TP.HCM là địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động TMĐT của Việt Nam. Đặc biệt, TP.HCM được đánh giá là địa phương có thị trường hoạt động TMĐT sôi động, thuộc loại lớn nhất nước, chiếm 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến của cả nước.

Thị trường TMĐT đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại. Hoạt động TMĐT trên địa bàn TP.HCM đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người dùng sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.

Thời gian qua các kênh phân phối TMĐT được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Các ứng dụng TMĐT đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch TMĐT gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM,…), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động…

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, ông Nguyễn Nguyên Phương nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử còn hạn chế, nhất là trong chính sách thúc đẩy, phát triển thương mại điện tử và các chính sách quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không đảm bảo như cam kết (của người bán), làm giảm lòng tin của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Mặt khác, sự tăng trưởng và phát triển TMĐT đã tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đặt ra trong công tác quản lý nhà nước nhất là trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của thành phố.

Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn TP.HCM đã có hơn 500 điểm trung chuyển hàng hoá của 5 sàn TMĐT. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn thiếu 1 tổng kho dành cho các doanh nghiệp TMĐT và một kho hàng lạnh phục vụ các mặt hàng thực phẩm. Do đó, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với ngành giao thông đẩy nhanh tiến độ của đề án phát triển logistics trên địa bàn TP.HCM.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu phát triển TMĐT, ông Hà Ngọc Sơn cho rằng, thời gian đầu, doanh nghiệp nên tận dụng hạ tầng của các sàn TMĐT. Đến khi doanh nghiệp đủ lớn thì mới tự tạo kênh bán hàng riêng bằng việc xây dựng website, ứng dụng bán hàng riêng của doanh nghiệp.

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)