Thị trường di động Việt Nam chững lại

Công nghệ - Ngày đăng : 16:34, 17/11/2022

Doanh số bán smartphone tại thị trường trong nước không tăng trưởng trong 3 quý liên tiếp. Báo cáo cho thấy giai đoạn vừa qua chỉ có hơn 3 triệu chiếc điện thoại được tiêu thụ.
iPhone 14 không đủ để giúp thị trường sôi động hơn trong quý III. Ảnh: Phương Lâm.

Báo cáo từ nhiều công ty nghiên cứu thị trường và nhà bán lẻ cho thấy ngành di động tại Việt Nam đang chững lại bởi nhiều lý do. Doanh số và lượng thiết bị bán ra không tăng trong những quý kinh doanh vừa qua.

Đồng thời, sức mua giảm khiến các công ty phải điều chỉnh chính sách, tối ưu quy mô phục vụ giai đoạn khó khăn.

9 tháng không tăng trưởng

Báo cáo từ các công ty nghiên cứu cho thấy thị trường di động Việt Nam liên tục giảm hoặc đi ngang trong 3 quý đầu năm nay. Sau quý IV/2021 với đợt mở bán iPhone 13 và mùa mua sắm cuối năm, nhu cầu của người dùng trong nước cho thiết bị di động không còn như trước.

Báo cáo quý I của Counterpoint Research cho biết doanh số bán smartphone tại Việt Nam giảm 3% so với cùng kỳ 2021. Nếu so sánh với quý IV/2021, mức giảm là 12%. “Doanh thu khởi sắc trong một tuần đầu trùng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau đó con số liên tục giảm ở những tháng tiếp theo”, Counterpoint Research cho biết.

Doanh số bán điện thoại thông minh tại Việt Nam
Dữ liệu: Counterpoint Research, Canalys, IDC
NhãnQuý IV/2021Quý I/2022Quý II/2022Quý III/2022

Triệu chiếc5.1574.53.173.196

Sang quý II, thống kê từ Canalys cho thấy thị trường di động Việt Nam đã sụt giảm 32% quy mô. Công ty nhận định lý do đi xuống bởi sức mua giảm, bất ổn toàn cầu và giá thiết bị tăng cao. Đồng thời, đây cũng thường là giai đoạn có doanh thu kém nhất trong năm bởi ít sản phẩm mới ra mắt và xa thời điểm trình làng iPhone.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IDC vừa được công bố, doanh số bán điện thoại thông minh tại Việt Nam ở quý III gần như đi ngang, tăng nhẹ 1,6% so với quý trước, đạt 3,2 triệu chiếc. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, mức chênh lệch là 28%.

Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng thực tế biến động bởi giai đoạn này của năm 2021 nhiều địa phương thực hiện giãn cách chống dịch. Do đó, doanh số bán thiết bị điện tử giảm sút nghiêm trọng.

Tính đến hết quý III, ngành di động Việt Nam chưa có nhiều khởi sắc. Theo thông tin từ nhà bán lẻ, các sản phẩm tầm trung từ Samsung, Oppo, Xiaomi không mang đến doanh thu như kỳ vọng. Trong danh sách điện thoại bán chạy, những model cơ bản, giá dưới 4 triệu đồng vẫn chiếm ưu thế lớn.

Apple là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường với mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, điều này chủ yếu đến từ các đợt giảm giá của iPhone cũ. Trong khi đó, sản phẩm iPhone 14 chủ lực lại liên tục thiếu hàng, trễ hẹn trong quý IV.

Ngoài ra, Samsung vẫn là nhà sản xuất di động phổ biến nhất tại Việt Nam với khoảng 40% thị phần. Oppo, Xiaomi, Apple chia nhau 3 vị trí tiếp theo. Thứ hạng của nhóm này liên tục thay đổi qua các quý khi hãng ra mắt điện thoại mới hoặc điều chỉnh giá smartphone cũ.

Nguyên nhân sụt giảm

Theo nhận định của các chuyên gia, ảnh hưởng từ tình hình chung, giá bán thiết bị tăng và dự báo kinh tế không khả quan khiến người dùng cẩn trọng trong quyết định chi tiêu. “Doanh thu hiện tại thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước dịch, quý III/2019. Nhu cầu người dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và kịch bản kinh tế vĩ mô đi xuống”, IDC nhận định.

thi truong smartphone di xuong anh 1
Sức mua bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, giá điện thoại tăng. Ảnh: CPS.

Ngoài ra, Việt Nam được Canalys đánh giá thuộc nhóm thị trường vốn mức độ nhạy cảm cao về giá. Do đó, biến động ở các sản phẩm giá rẻ có thể ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng.

Trả lời Zing, một vị quản lý cấp cao của thương hiệu điện thoại thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cho biết công ty phải vật lộn để giữ giá sản phẩm, tăng doanh thu và mở rộng thị phần. “Năm nay chúng tôi chịu đang chịu lỗ hàng triệu USD ở Việt Nam”, vị này chia sẻ.

Bên cạnh đó, chuyên gia từ Counterpoint Research nhận định rằng Việt Nam là thị trường phụ thuộc chính vào các kênh phân phối ngoại tuyến, chiếm tỷ trọng lớn. Hiện tại, các nhà bán lẻ trong nước dần điều chỉnh định hướng để phù hợp với giai đoạn khó khăn.

“Quý IV, thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung đều bước vào giai đoạn khó khăn với nhiều rủi ro khó lường, do ảnh hưởng từ lạm phát, lãi suất tăng và biến động tỷ giá. Điều này gây ảnh hưởng đến chi phí và dẫn đến sức mua giảm”, đại diện nhà bán lẻ FPT Shop nói với Zing.

Trong báo cáo kinh doanh mới nhất, nhà bán lẻ Thế Giới Di Động cũng đã thông báo ngừng mở mới tất cả cửa hàng thuộc hệ thống. Mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm nay là đạt tăng trưởng dương và bảo vệ dòng tiền hoạt động nhằm trụ vững qua những năm thách thức.