Chuyện đời buồn ít ai biết của chàng shipper nói tiếng Pháp gây "bão" mạng

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 19:00, 17/11/2022

Bắn" tiếng Pháp trò chuyện với nhà văn Marc Levy ở đường sách xong, Hữu Phước bật ứng dụng shipper, phóng xe đi giao đồ ăn đến khuya mà không biết mình bắt đầu nổi tiếng trên mạng xã hội.

Trong trang phục shipper giao đồ ăn, Nguyễn Hữu Phước, 25 tuổi ở TP Thủ Đức tay trái cầm cuốn "Đêm đầu tiên" bản tiếng Pháp, tay trái cầm micro hỏi nhà văn Marc Levy: "Trong tiểu thuyết 'Ngày đầu tiên' và 'Đêm đầu tiên', những tình tiết được xây dựng rất sâu sắc.

Ông đặt câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ, niềm tin… Vậy xin được hỏi, ông lấy ý tưởng từ đâu để có những tình tiết như vậy trong tác phẩm của mình?".

Không khí buổi giao lưu với tác giả Marc Levy ở đường sách Nguyễn Văn Bình vào chiều ngày 9/11 trở nên rộn ràng hơn.

Ai cũng bất ngờ vì khả năng nói tiếng Pháp lưu loát của Hữu Phước. Video ghi lại đoạn trò chuyện giữa Phước và tác giả được các phóng viên và nhiều người có mặt tại buổi giao lưu ghi lại, chia sẻ lên các trang báo và mạng xã hội.

Nhà văn Marc Levy giao lưu tại đường sách Nguyễn Văn Bình hôm 9/11, trong video có đoạn Phước đặt câu hỏi cho ông (Video: Ngà Trịnh).

Nghị lực của anh shipper

Sau buổi giao lưu, Phước trở về với công việc thường ngày của mình là một shipper giao đồ ăn. Làm việc đến khuya, anh không biết đoạn trò chuyện đó gây bão mạng xã hội.

"Nhiều người bình luận rằng em giỏi tiếng Pháp như thế chắc chỉ đi làm shipper vì đam mê. Nhưng không phải, em đi làm là vì tiền. Nhờ sự lan tỏa, giúp đỡ của cộng đồng mà em đã được thầy hiệu trưởng gọi lên để làm thủ tục nhập học, thực hiện tiếp đam mê với tiếng Pháp của mình", Phước trải lòng với PV Dân trí giữa lúc chờ nhận đơn hàng vào đêm 16/11.

Chuyện đời buồn ít ai biết của chàng shipper nói tiếng Pháp gây

Phước cầm trên tay cuốn "Đêm đầu tiên" của Marc Levy để đặt câu hỏi cho ông (Ảnh: Ngà Trịnh).

Hữu Phước từng có cuộc sống êm đềm cùng gia đình ở quận 3. Chàng trai là cựu học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, học tiếng Pháp từ nhỏ. 18 tuổi, Phước thi đậu vào ngành tiếng Pháp của trường Đại học Sư phạm TPHCM. Nhưng cũng từ thời điểm này, gia đình Phước xảy ra biến cố nên em bắt đầu phải tự lập bằng việc dọn ra ở trọ, tự đi làm để kiếm tiền sinh hoạt.

"Khoảng 1 năm đầu, mẹ em vẫn chu cấp học phí cho em nhưng về sau thì em phải tự lo liệu tất cả", Phước nói.

Để có tiền trang trải, Phước phải làm thêm nhiều công việc, từ bảo vệ, giữ xe, phục vụ nhà hàng… Cuối cùng, chàng sinh viên chọn công việc shipper vì chủ động được thời gian, song song vẫn đi học ở trường.

Mỗi ngày, Phước làm việc từ 8-10 tiếng, em thường về nhà sau 9 giờ tối. Lúc bấy giờ mới bắt đầu học bài. Vì quá yêu thích ngành sư phạm nên sang năm thứ hai đại học, Phước đăng ký học thêm ngành sư phạm địa lý.

"Trong mắt em, hình ảnh những người thầy giáo, cô giáo rất vĩ đại", Phước nói.

Tuy nhiên, sang năm thứ ba, áp lực kinh tế đè vai khiến em không kham nổi tiền đóng học phí. Vốn có nhiều bệnh về đường hô hấp, mỗi khi Sài Gòn trở lạnh, Phước phải nhập viện, uống thuốc rất tốn kém.

Chuyện đời buồn ít ai biết của chàng shipper nói tiếng Pháp gây

Phước tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tích cực trao đổi bài vở với thầy cô, bạn bè trong khoa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nợ tiền học phí, chàng sinh viên được các thầy cô trong khoa tiếng Pháp tự bỏ tiền túi hỗ trợ cho em. Tuy nhiên, sau học kỳ 1, kết quả học tập của em không tốt vì không có thời gian dành cho việc học. Thấy mình phụ lòng thầy cô, Phước quyết định bảo lưu kết quả học tập để đi làm kiếm tiền, nuôi giấc mơ trở lại giảng đường khi đủ khả năng.

"Em bảo lưu 1 năm nhưng đến giờ đã qua năm thứ 3 em vẫn chưa đủ tiền để đi học lại. Thu nhập từ việc làm shipper mỗi ngày chỉ đủ để em trang trải chi phí sinh hoạt và chữa bệnh", Phước tâm sự.

Không bao giờ bỏ cuộc

Không có ý định buông xuôi, sau khi nghỉ học Phước vẫn tự trau dồi kiến thức cho mình bằng việc tự học mỗi khi có thời gian rảnh. Chàng trai có thói quen đọc sách và xem đó là thú vui giải trí của mình. Không có nhiều tiền, Phước làm đầy kệ sách hàng trăm cuốn của mình ở phòng trọ bằng việc mua sách cũ.

Để có thể "giữ phong độ" về khả năng giao tiếp tiếng Pháp, Phước thường mua sách tiếng Pháp và bản tiếng Việt về đọc, rồi xem cách các dịch giả dịch sách để trau dồi kiến thức.

"Em biết có nhiều người vẫn có thể vừa học vừa làm nhưng với em thì không thể. Để có tiền đóng học phí và sinh hoạt, em phải làm việc cả ngày và như thế thì không còn sức để ôn bài vào buổi tối nữa. Ngược lại, nếu tập trung thời gian cho việc học, em sẽ không có tiền để sống", Phước trăn trở.

Chuyện đời buồn ít ai biết của chàng shipper nói tiếng Pháp gây

Phước tranh thủ đọc sách trong lúc nghỉ ngơi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ về việc vẫn sắp xếp thời gian để giao lưu suốt hơn 3 tiếng với nhà văn Marc Levy dù không phải là "fan ruột" của ông ở đường sách, anh shipper tâm sự: "Em rất mê tiếng Pháp, công việc đi làm hằng ngày khó có cơ hội được giao tiếp bằng ngoại ngữ nên khi thấy có buổi giao lưu em muốn đến ngay".

Anh Bá Tân, chủ tiệm sách cũ ở quận 3, chia sẻ đã biết Phước từ năm 2019. Khi thấy Phước nghỉ học, anh Tân rất tiếc vì thấy em ấy chăm chỉ, chịu khó. Nhiều lần khuyên em nghỉ làm shipper nhưng vì cần kiếm tiền nên chàng trai vẫn cố làm. Phước rất mê đọc sách và thường đến tiệm của anh Tân tìm sách tiếng Pháp để đọc.

"Có lúc khó khăn quá, cậu ấy cầm mấy cuốn sách quý đến tiệm của mình cắm. Dù không làm về dịch vụ này nhưng mình cũng nhận và gửi em ấy một số tiền cao để em xoay sở. 2 tuần trước, Phước làm hỏng đơn hàng thức ăn của khách hàng và gọi điện mượn mình 1 triệu đồng để đền cho khách", anh Tân kể.

Chuyện đời buồn ít ai biết của chàng shipper nói tiếng Pháp gây

Chàng trai rong ruổi khắp Sài Gòn giao đồ ăn kiếm tiền trên chiếc xe cup cũ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau hôm đó, Phước được nhiều người biết đến. Bản thân vốn là người hướng nội, từng có thời gian điều trị bệnh trầm cảm sau biến cố gia đình nên khi đọc được một số bình luận tiêu cực trên mạng xã hội khiến Phước có chút áp lực. Tuy nhiên, em vẫn chọn cách vui vẻ đón nhận vì biết vẫn có nhiều người nói em là nguồn động lực của họ.

"Em thấy mình vẫn có thể làm được điều gì đó cho đời. Những ngày không còn tiền để ứng đơn hàng, em lái xe rong ruổi khắp Sài Gòn, buồn bã nhưng cuối cùng em cũng vượt qua được, chỉ cần không bỏ cuộc", Phước nói rồi vội vàng bấm điện thoại nhận đơn hàng, chạy đi làm đến tận khuya.