Đây là điều tất cả mọi người cần làm để đối phó với suy thoái, theo tỷ phú Amazon
Kinh doanh - Ngày đăng : 12:21, 16/11/2022
Jeff Bezos đã đưa ra những lời khuyên sắc bén nhất cho mọi người trong thời điểm kinh tế khó khăn. Ông hối thúc họ tạm hoãn các khoản mua sắm lớn như xe hơi, tivi, đồ gia dụng mới. Theo tỷ phú giàu thứ tư thế giới, đây là cách chắc chắn nhất để khoản dự phòng nếu xảy ra suy thoái kéo dài. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ nên tránh chi tiêu các khoản lớn hay thâu tóm trong thời kỳ không ổn định.
Nếu nhiều người làm theo lời khuyên của Bezos, doanh số của Amazon – đế chế thương mại điện tử ông xây dựng – sẽ thấp hơn.
Hôm 14/11, New York Times đưa tin Amazon chuẩn bị sa thải khoảng 10.000 nhân sự, quy mô lớn nhất lịch sử công ty. Trước đó, Amazon thông báo đóng băng tuyển dụng trong khối văn phòng. Tại Mỹ, hãng chỉ đứng sau Walmart về số lượng lao động.
Hồi tháng 10, Amazon dự báo doanh số ba tháng cuối năm sẽ thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của Phố Wall. Dự báo được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng và nguy cơ suy thoái ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người dân. Người Mỹ chi tiền nhiều hơn cho ăn uống bên ngoài và du lịch, còn chi ít hơn cho hàng hóa không nằm trong kế hoạch.
Cổ phiếu Amazon đã giảm hơn 40% trong năm nay do vật giá tăng và hành vi khách hàng thay đổi, tác động tới công ty nói riêng và ngành công nghệ nói chung.
Theo Bezos, khả năng các điều kiện kinh tế xấu đi khiến cho việc tiết kiệm trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc. “Hãy loại bỏ những rủi ro. Chỉ cần giảm thiểu chút rủi ro cũng tạo nên sự khác biệt”, cựu CEO Amazon nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền trên CNN.
Tháng trước, ông đăng tweet khuyên mọi người “đóng chặt các cửa sập”, một câu thành ngữ ngụ ý chuẩn bị đối phó với khó khăn phía trước. Dù vậy, tự nhận là một người lạc quan, ông tin rằng “giấc mơ Mỹ” sẽ đạt được nhiều thứ hơn trong tương lai.
Về mặt kỹ thuật, kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái. Song trong một khảo sát gần đây của CNN, 75% người tham gia nói họ cảm thấy như đang ở trong thời kỳ suy thoái. Lương tăng nhưng chưa theo kịp lạm phát, hầu hết các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu, xăng dầu đều tăng giá mạnh. Với nhiều nhà đầu tư chứng khoán, năm nay cũng không hề tích cực. Đặc biệt, những người nghỉ hưu sống nhờ vào đầu tư càng khó khăn hơn.
Các lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng gửi đi những thông điệp tương tự về kinh tế trong vài tháng gần đây. Chẳng hạn, CEO Tesla Elon Musk thừa nhận nhu cầu với xe điện Tesla đã giảm và công ty sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng doanh số. Vào tháng 10, CEO ngân hàng JPMorgan Chase Jamie Dimon khiến thị trường chứng khoán hoảng sợ khi cho rằng suy thoái sẽ xảy ra tại Mỹ trong khoảng 6 đến 9 tháng tới.
(Theo CNN)