Quốc hội sẽ rà soát vấn đề bệnh viện xin dừng tự chủ toàn diện

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:51, 15/11/2022

Về vấn đề tự chủ bệnh viện, theo lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, hiện nay có 2 đơn vị xung phong tự chủ bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K, nhưng sau đó không tự chủ được. Trong chương trình xây dựng Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn sẽ phải rà soát vấn đề này.

Thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước và đây cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, 2 bệnh viện tuyến cuối của cả nước là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều đã xin dừng thí điểm.

Chiều nay (15.11), tại họp báo sau kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã trao đổi với báo chí liên quan tới vấn đề tự chủ bệnh viện vừa qua. Đồng thời, ông cũng thông tin thêm về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết, hiện nay, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các bộ ngành có liên quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật.

Các ý kiến cơ bản đồng thuận với nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chưa được thống nhất khi phát biểu về cơ chế tài chính của bệnh viện. Vấn đề tự chủ bệnh viện là vấn đề mới phát sinh trong kỳ họp này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội cần có thời gian nghiên cứu và xin trình lại sau kỳ họp thứ 4.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: QH
Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: QH

Liên quan đến tài chính, cơ chế tài chính, theo ông Nguyễn Hoàng Mai, có 4 vấn đề lớn, bao gồm việc tính đúng, tính đủ giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế xã hội hóa nguồn lực khám bệnh chữa bệnh; tự chủ bệnh viện và những quy định dùng ngân sách nhà nước chi hoạt động khám bệnh chữa bệnh. "Đây đều là những vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu", ông Mai nói.

Về tự chủ bệnh viện, theo ông Mai, hiện nay có 2 đơn vị xung phong tự chủ bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K, nhưng sau đó không tự chủ được.

"Có nhiều nguyên nhân khiến 2 bệnh viện này không thể tự chủ được đó, nhưng chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, khiến nguồn tài chính của bệnh viện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, quan trọng là cơ chế và điều luật có liên quan trong vấn đề tự chủ bệnh viện, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giá, Luật Đấu thầu.

Và trong chương trình xây dựng luật Quốc hội, Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tới cũng đặt vấn đề phải rà soát cơ chế chính sách quy định vấn đề tự chủ bệnh. Sau đó đề xuất sửa đổi, bổ sung", ông nói.

Nhóm PV