Lơ là dinh dưỡng khi điều trị bệnh, người bệnh thiệt

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:02, 15/11/2022

Rất nhiều người chủ quan, ăn uống qua loa hoặc có những quan điểm sai lầm về dinh dưỡng khiến bệnh nặng hơn.
20190226_095653_483565_dinh-duong.max-800x800-1.jpg
Ăn uống qua loa sẽ khiến bệnh khó lành - Ảnh: Internet

Ăn vào là sợ khối u phát triển

Ghi nhận tại các bệnh viện tại TP.HCM cho thấy nhiều bệnh nhân vẫn chưa quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh. Nhiều người còn rất xem nhẹ đến vai trò của thức ăn chỉ nghĩ đến việc ăn cho xong bữa.

Xin cơm từ thiện, có gì ăn lấy… trong những ngày nằm viện là tình trạng phổ biến với nhiều bệnh nhân từ xưa đến nay, nhất là bệnh nhân từ các tỉnh thành đến TP.HCM.

Điển hình như bà N.T.T. (54 tuổi) cho người nhà đi điều trị ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) đến bữa ăn trưa chỉ có cơm trắng, trứng chiên và canh.

“Sợ cho người nhà ăn nhiều mà không kiêng các thức ăn như thịt các khối u sẽ phát triển rất nhanh. Những món cho người nhà ăn thường là đọc trên mạng hoặc gặp nhiều bệnh nhân khác nghe họ nói. Đến bác sĩ tư vấn chi tiết ăn uống lại tốn rất nhiều thời gian, ăn như thế này còn tiết kiện được tiền" bà T. nói.

Thống kê tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy tình trạng người bệnh suy dinh dưỡng hiện nay rất phổ biến, theo khảo sát của bệnh viện mới đây nhất tỉ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân khi nhập viện điều trị là 40%, đặc biệt là ở bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật tiêu hóa (ruột,dạ dày, gan) lên đến 55%.

Một nghiên cứu trên 200 bệnh nhân 6 khoa lâm sàng của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho thấy, khoảng 35,5% người bệnh điều trị tại đây bị suy dinh dưỡng. Tương tự, tại Bệnh viện Thống Nhất, tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng là 34,6%...

20200605_142039_311875_hen-suyen-va-che-do.max-1800x1800.jpg
Người bệnh cần gặp các bác sĩ điều trị để hướng dẫn dinh dưỡng - Ảnh: Internet

Dinh dưỡng không đúng tăng gánh nặng viện phí

TS Lưu Ngân Tâm - trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - hiện nay bệnh nhân vẫn chưa được quan tâm dinh dưỡng trong quá trình điều trị.

Người bệnh cần có chế độ ăn đúng để giảm biến chứng và nguy cơ tử vong. Đối với các người bệnh cấp tính như gãy xương, chấn thương, tổn thương đa tạng, hồi sức tích cực… nếu dinh dưỡng không đúng vết thương không lành.

Bác sĩ Tâm dẫn chứng 1 ngày bệnh nhân nằm tại phòng hồi sức nếu dinh dưỡng không đúng có thể mất một kg trọng lượng cơ thể, mà trung bình phải nằm trung bình từ một đến 10 ngày như vậy có thể sụt 10kg.

Nếu dinh dưỡng không đủ, cơ sẽ teo rất khó cai máy thậm chí suy giảm miễn dịch có nguy cơ nhiễm trùng tử vong…

Cũng theo bác sĩ Tâm, hiện nay BHYT mới đang xem xét chi trả cho đường tiêm, truyền mà chưa chi trả dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng đường ăn và đường ống.

Chính vì vậy, BHYT cần phải xem xét chi trả đường ăn cho bệnh nhân mãn tính có thể là 50/50, nếu dinh dưỡng qua đường ống thông thì nên xem chi trả toàn phần, đặc biệt là bệnh nhân hồi sức đây là đối tượng yếu thế cần được hỗ trợ.

Còn bác sĩ Lê Thị Thu Hà - chủ nhiệm khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho biết dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh, có đến 70% lượng bệnh nhân bị tử vong do bệnh lý không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng là chủ yếu.

Dinh dưỡng giúp người bệnh tăng sức đề kháng, nhanh lành được vết thương giúp giảm thời gian và chi phí điều trị. Ngược lại nếu dinh dưỡng không đầy đủ điều này sẽ khiến thời gian điều trị bệnh kéo dài hơn, gánh nặng thêm chi phí.

“Nhiều bệnh nhân hiện nay chỉ dựa vào thuốc nghĩ rằng chỉ cần uống thuốc đầy đủ, ăn uống qua loa hoặc không chịu ăn. Trong khi đó chích thuốc đau vẫn chích, thuốc đắng vẫn uống nhưng cứ mệt là không ăn rất nguy hiểm. Bệnh nhân cần phải chú ý ăn uống đủ chất, theo khuyến cáo của các bác sĩ”, bác sĩ Hà nói.

Bệnh viện công gặp khó khi xây dựng căn tin, bãi giữ xe…

Bác sĩ Ngân Tâm cho biết nơi để bệnh nhân ăn cũng đóng vai trò quan trọng, đảm bảo an toàn vệ sinh cho bệnh nhân, phải có khu vực riêng nhưng hiện nay đối với tình trạng quá tải các bệnh viện nên đây cũng là vấn đề nan giải.

Sau đại dịch COVID-19, ngành y tế TP.HCM nhận định một trong bảy khó khăn ngành y tế gặp phải là các bệnh viện công lập hiện nay gặp nhiều khó khăn trong cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh như: bãi giữ xe, căn tin…Nguyên nhân là do phải chờ Sở Tài chính thẩm định và UBND TP phê duyệt.

Sở Y tế đã có kiến nghị gửi UBND TP xem xét và sớm có giải pháp tháo gỡ về rút ngắn thời gian phê duyệt đề án sử dụng tài sản công của ngành y tế.

ANH ĐÀO