Người bị sốt xuất huyết nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:32, 15/11/2022
Chế độ dinh dưỡng cho người bị sốt xuất huyết
Khi mắc bệnh, người bệnh dễ mệt mỏi, chán ăn, hấp thu kém nên cần các loại thực phẩm được chế biến ở dạng nhuyễn, lỏng và dễ ăn như soup, cháo hoặc sữa… hạn chế các thực phẩm khô cứng khó tiêu hóa. Việc bổ sung các thực phẩm này giúp bệnh nhân dễ hấp thu, bổ sung đủ dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Thực phẩm giàu protein: Một số thực phẩm giàu protein tốt cho người bị sốt xuất huyết như trứng, sữa, phomai và các sản phẩm từ sữa nên được đưa vào thực đơn. Bên cạnh đó, các thực phẩm như thịt gà, cá cũng là nguồn cung cấp các dưỡng chất tốt và cần thiết cho người bệnh.
Đồ ăn loãng: Bạn có thể bổ sung cháo, súp vào thực đơn hàng ngày cho người bị sốt xuất huyết. Đây là những thực phẩm dạng lỏng dễ dàng cho người bệnh khi ăn vì thấy dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó cháo hay súp còn giúp bổ sung thêm nước vào cơ thể, giúp người bệnh có thêm nhiều năng lượng hơn. Trong khi chế biến có thể kết hợp với bí ngô để bổ sung vitamin A hay một số loại thịt cá để bổ sung thêm đạm và protein cho người bệnh, giúp bệnh nhân bổ sung năng lượng và mau khỏi bệnh.
Sữa chua có chứa các lợi khuẩn giúp hỗ trợ tiêu hóa bằng cách cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn tốt và xấu trong ruột. Sữa chua có lợi cho quá trình tiêu hóa của bạn và bổ sung chế phẩm sinh học giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh từ đó giúp chống lại virus và nhiễm trùng do vi khuẩn.
Tỏi: Được biết đến là một siêu thực phẩm tự nhiên, tỏi có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, bên cạnh đó tỏi cũng giúp tăng lượng tiểu cầu trong máu.
Rau xanh: Đây là nguồn bổ sung nhiều dưỡng chất tốt sức khỏe, vì rau xanh không chứa nhiều calo nhưng giàu hàm lượng dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin,… Bệnh nhân sốt xuất huyết nên đưa các loại rau xanh vào thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày, loại rau được các chuyên gia khuyến khích ăn thường xuyên như:
Rau chân vịt là một loại thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe. Trong loại thực phẩm này có chứa nhiều protein và vitamin K, tham gia vào quá trình chuyển hóa các yếu tố đông máu và cũng giúp giảm nguy cơ chảy máu quá nhiều.
Bí ngô bao gồm cả hạt, chứa acid amin và vitamin cần thiết cho sự hình thành tiểu cầu. Việc sử dụng thường xuyên loại thực phẩm này giúp cơ thể tăng sự hấp thu protein và vitamin A. Ngoài ra, vì bí ngô chứa chất chống oxy hóa mạnh nên nó được coi là thực phẩm lý tưởng để hạn chế các tác động tiêu cực của độc tố và các gốc tự do.
Củ cải chứa các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa suy giảm tiểu cầu do ảnh hưởng của các gốc tự do. Sự đóng góp của vitamin A, C và K, cùng các khoáng chất, giúp ngăn ngừa sự suy giảm của các mạch máu và bệnh tim mạch. Uống nước ép củ cải thường xuyên cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Đu đủ cũng là món ăn thích hợp, có thể ăn trực tiếp hoặc làm nước ép đu đủ để uống. Người bệnh có thể uống mỗi ngày 2 ly sáng và tối để giúp cơ thể bớt mệt mỏi hơn.
Ngoài ra, bông cải xanh, rau bina, súp lơ, cà rốt, cải xoong, cần tây và củ cải đường... cũng rất quan trọng trong quá trình kích hoạt mức tiểu cầu và giúp thanh lọc cơ thể cho người bệnh.
Bện cạnh đó, khi người bệnh thường sốt cao, nguy cơ thoát huyết tương khiến máu khó đông và tăng mất nước. Nếu chỉ uống nước lọc là hoàn toàn không đủ, vì lượng chất khoáng cần thiết vẫn bị thiếu hụt trong dịch cơ thể, dẫn đến tình trạng mất cân bằng ion gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì vậy việc đặc biệt quan trọng là người bệnh phải bù nước, bù điện giải như uống oresol. Ngoài ra, việc bổ sung một số loại nước như sau là rất cần thiết với cơ thể người bệnh:
Nước dừa: Nước dừa là một trong những thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì nước dừa là nguồn cung cấp nước tự nhiên, các khoáng chất cần thiết và chất điện giải.
Nước cam: Cam có đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết. Chúng rất giàu vitamin C, là một chất chống oxy hóa quan trọng.
Nước ép quả lựu: Là loại trái cây giàu chất sắt, vitamin C và chất chống oxy hóa, ăn hoặc uống nước ép lựu có tác dụng bổ máu và giúp duy trì số lượng tiểu cầu trong máu bình thường, điều cần thiết để phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết.
Nước ép ổi và dưa gang: Ổi rất giàu vitamin C, dưa gang là trái cây giải nhiệt hiệu quả, rất thích hợp cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nước đu đủ: Đu đủ kích hoạt sản xuất tiểu cầu nhanh hơn ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Nghiền nát một vài lá đu đủ và uống nước ép của nó hai lần mỗi ngày có thể có lợi cho người bệnh sốt xuất huyết.
Nước ép rau củ: Cà rốt, dưa chuột và các loại rau lá xanh khác cũng rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Những loại rau này chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết giúp tăng cường miễn dịch và giảm bớt triệu chứng mệt mỏi của bệnh nhân sốt xuất huyết.
Người bị sốt xuất huyết không nên ăn gì?
Người bệnh sốt xuất huyết không nên quá kiêng khem, nên cân đối đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài những thực phẩm nên được bổ sung vào chế độ ăn thì người bị bệnh sốt xuất huyết cần lưu ý kiêng một số thực phẩm không có lợi cho việc hồi phục.
Đồ cay nóng là điều tối kỵ đối với người bị sốt xuất huyết, việc tiêu thụ thực phẩm cay nóng làm axit tích tụ trong dạ dày dẫn đến tổn thương và loét thành mạch. Việc tổn thương này cản trở quá trình hồi phục và chống chọi với bệnh tật.
Tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ: Đồ ăn dầu mỡ có thể dẫn đến tăng huyết áp và tăng lượng cholesterol không có lợi cho cơ thể. Việc ăn nhiều đồ dầu mỡ cản trở rất nhiều cho việc hồi phục của cơ thể và làm hệ miễn dịch bị suy yếu. Bên cạnh đó việc tiêu thụ thực phẩm dầu mỡ làm khó tiêu và ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của người bệnh.
Nước ngọt: Người bệnh sốt xuất huyết không nên uống các loại nước ngọt, như soda, không dùng mật ong và các loại đường tự nhiên khác để tránh bênh nhân lâu hồi phục do tiêu thụ đường sẽ khiến cho các bạch cầu hoạt động chậm chạp hơn.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên không nên uống rượu, cà phê và ngừng hút thuốc khi đang bị bệnh.
Thực phẩm có màu đen, đỏ hoặc sẫm màu: Một số thực phẩm sẫm màu như huyết heo, bò, gà, đồ có màu đỏ như củ dền, thanh long đỏ… vì trong bệnh cảnh sốt xuất huyết sẽ có xuất huyết tiêu hóa, nếu người bệnh sử dụng những thực phẩm này thì khi ói hoặc đi ngoài sẽ rất khó phân biệt hiện tượng xuất huyết hay không, điều này gây khó khăn cho bác sĩ chẩn đoán.
Lưu ý
Cần theo dõi sát trạng thái bệnh nhân, không được trì hoãn việc điều trị bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt nếu xuất hiện các triệu chứng như đốm đỏ trên da, chảy máu từ bất kỳ vị trí nào, phân đen, chảy máu chân răng, buồn ngủ nhiều, khó thở, da tái và thường xuyên nôn mửa hoặc có kinh nguyệt sớm khi chưa đến chu kỳ...