Chiến lược quốc phòng Nhật Bản thích nghi với tình hình mới

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:29, 15/11/2022

Một loạt động thái quân sự của Nhật Bản thời gian gần đây cho thấy nước này đã có sự chủ động hơn trong chiến lược quốc phòng, củng cố các dự đoán cho rằng Tokyo có thể đang chuyển hướng dần chính sách quốc phòng từ tự vệ sang tấn công.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã thống kê một loạt động thái của quân đội Nhật Bản trong tháng 10 như tập trận không quân chung với Mỹ; cùng Mỹ và Hàn Quốc tập trận hải quân phối hợp ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên; Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tập trận chung mô phỏng bảo vệ các đảo xa, trong đó có sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS.

Còn trang mạng Shanghai Observer mới đây có những phân tích về các tính toán của Nhật Bản khi thúc đẩy liên kết với các quốc gia sau 20 năm “lặng lẽ”. Trong đó đề cập tới lễ duyệt binh tàu quốc tế vừa diễn ra tại vịnh Sagami ở miền Đông Nhật Bản do Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản tổ chức lần đầu tiên sau 20 năm.

Tàu ngầm lớp Taigei của MSDF tham gia lễ duyệt binh tàu quốc tế ở vịnh Sagami. Ảnh: Japan Times

Tham gia sự kiện có sự hiện diện của hải quân Nhật Bản và 12 quốc gia, bao gồm Hàn Quốc. Tại sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu nhấn mạnh chính sách tăng cường mạnh mẽ năng lực quốc phòng. Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cho rằng cần phải làm tốt công tác chuẩn bị cho “các mối đe dọa tiềm tàng”.

Để đạt được mục tiêu này, nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo sẽ “cân nhắc các thực tế và sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”. Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết dự kiến công bố chiến lược an ninh quốc gia mới vào tháng 12 tới, nhằm tăng cường mạnh mẽ khả năng quốc phòng.

Một trong những động thái cho thấy sự thay đổi trong chiến lược quốc phòng của Tokyo là nước này gia tăng hợp tác quân sự trong khu vực và quốc tế thời gian gần đây. Nhật Bản và Ấn Độ hồi tháng 9 vừa qua ra thông cáo chung nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hợp tác quốc phòng, hợp tác công nghệ và lên kế hoạch tập trận chung.

Nhật Bản đang liên tục tăng cường hợp tác an ninh với nhiều nước trên cơ sở sáng kiến "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở". Hiện ngoài liên minh quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản đã tăng cường đối tác an ninh với Australia, Ấn Độ, Anh, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á.

Trước đó, hồi cuối tháng 8, Nhật Bản công bố kế hoạch phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao. Đồng thời, yêu cầu bổ sung ngân sách cho phát triển các loại đầu đạn mới, bao gồm đầu đạn siêu thanh.

Việc tăng cường các vũ khí tầm xa là một phần trong kế hoạch mở rộng đầu tư cho lực lượng phòng vệ. Kế hoạch mua sắm vũ khí được Bộ Quốc phòng công bố, cũng thể hiện sự khác biệt rõ rệt với thực tế đầu tư nhiều thập kỷ qua của quốc phòng Nhật Bản vốn bị ràng buộc theo Hiến pháp.

Theo Giáo sư Kubo Fumiaki, Giám đốc Học viện Quốc phòng Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio đã nhận được các tham mưu hướng tới tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản, trong đó bao gồm việc tăng ngân sách quốc phòng lên tương đương 2% GDP trong 5 năm, thay vì là 1% như hiện nay.

Trên thực tế, Nhật Bản đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường tiềm lực của lực lượng phòng vệ. Theo các nhà quan sát, việc tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ tập trung vào những lĩnh vực then chốt như phát triển các hệ thống tấn công và phòng thủ tên lửa, các phương tiện không người lái, phòng thủ không gian và an ninh mạng.

Mục tiêu của Nhật Bản là xây dựng cấu trúc quốc phòng mới, đưa lực lượng phòng vệ trở thành lực lượng quốc phòng "đa năng" trong các lĩnh vực trên, để bảo đảm có thể đáp ứng các thách thức mới trong thế kỷ 21, nhưng để thực hiện được điều này, tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP là điều hết sức quan trọng đối với Nhật Bản.

Theo các nhà phân tích, áp lực gia tăng từ an ninh quốc tế và khu vực với vấn đề hạt nhân Triều Tiên và chiến sự Nga-Ukraine khiến Nhật Bản chủ động hơn trong chiến lược quốc phòng. KCNA đã đề cập tới 7 vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, trong đó nổi bật là lần đầu tiên kể từ năm 2017, Triều Tiên đã phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản mà không cảnh báo trước cho Tokyo.

Ngoài ra, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang bị đe dọa, người dân nước này phần lớn ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng, đây có thể là tiền đề cho Nhật Bản dần tiến tới cải cách Hiến pháp để bình thường hóa vai trò của lực lượng phòng vệ.

Chính sách quốc phòng của Nhật Bản về cơ bản bị chi phối bởi chủ nghĩa hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, cuộc khảo sát dư luận mới nhất của Đài Truyền hình NHK cho thấy, 55% trong số 1.247 người được khảo sát ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng, so với 29% phản đối.

MAI NGUYÊN