Tưởng nhầm mình bị bệnh tâm thần vì xem video TikTok
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 19:30, 14/11/2022
TikTok trở thành một điểm tựa tâm lý cho giới trẻ. Ảnh: Dreamstime. |
Suốt một năm giãn cách vì đại dịch Covid-19, cô bé Kianna (17 tuổi) đã cảm thấy bị cô lập với thế giới xung quanh. “Lúc ấy tôi lướt TikTok cả ngày. Đó cũng là lúc sự tự tin của tôi bắt đầu giảm sút”, cô bé nói.
Dành phần lớn thời gian ở một mình trong phòng, Kiana đã phải đối mặt với chứng đau đầu triền miên, mất ngủ và tự ti về ngoại hình. Sau đó, cô bé vô tình xem được những video trên TikTok về rối loạn giải thể nhân cách (depersonalization disorder). Chứng bệnh này khiến con người liên tục cảm thấy như bị tách rời khỏi cơ thể hoặc cảm giác được mọi thứ xung quanh đều không thật, như sống trong mơ.
“Tôi đã bị mắc chứng bệnh này”, Kiana khẳng định chắc nịch về tình trạng của mình. Nhưng cô bé không chia sẻ điều này với bất kỳ ai mà chỉ ôm khư khư suy nghĩ rằng mình đang bị bệnh tâm thần suốt một thời gian dài.
Bác sĩ cũng không được tin tưởng bằng TikToker
Theo New York Times, gần đây những cuộc thảo luận về sức khỏe tinh thần xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là TikTok với chuỗi video không hồi kết và dễ dàng tiếp cận.
Trong đó, đối với những người đang tìm hiểu về các chứng rối loạn tâm thần, nền tảng mạng xã hội này đã cung cấp những định nghĩa đơn giản, dễ hiểu và cách tự chẩn bệnh cho mình. Tuy nhiên, những kiến thức chưa qua kiểm chứng này lại tiềm ẩn nguy cơ cho người dùng.
Các video được gắn hashtag liên quan đến bệnh tâm thần như #BPD (Rối loạn nhân cách ranh giới) hay #bipolar (Rối loạn lưỡng cực) thu về hàng tỷ lượt xem với nội dung là triệu chứng thường gặp của các chứng bệnh. Ảnh: NY Post. |
Các chuyên gia sức khỏe tinh thần nhận định ngày càng nhiều người trẻ tự chẩn đoán mình có bệnh tâm thần sau khi đọc được chỉ vài triệu chứng trên mạng xã hội. Những thông tin này khiến mọi người lầm tưởng về tình trạng bản thân, tránh né các phương pháp điều trị chuyên nghiệp để tìm đến các cách chữa bệnh thiếu khoa học.
Nhà trị liệu Annie Barsch cho biết cô đã gặp rất nhiều bệnh nhân đến khám, nghĩ rằng mình có bệnh vì xem video triệu chứng trên TikTok. “Họ đều nói rằng tôi có triệu chứng như vậy nên chắc chắn là bị rối loạn tâm thần. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy”, cô nói.
Nhiều bệnh nhân còn tin vào những video TikTok hơn cả bác sĩ tâm lý. “Là một chuyên gia có bằng thạc sĩ về ngành tâm lý, giấy phép hành nghề cùng nhiều năm kinh nghiệm nhưng tôi vẫn không thể đọ lại với các TikToker tự xưng”, Barsch chia sẻ.
Theo New York Times, mặc dù phổ biến với giới trẻ, định dạng video ngắn của TikTok không có chỗ cho những kiến thức chính thống. Người xem nếu muốn tìm hiểu về sức khỏe tinh thần trên TikTok sẽ chỉ thấy danh sách liệt kê một vài triệu chứng cơ bản, nội dung rất sơ sài.
Trên thực tế, việc chẩn đoán bệnh tâm thần rất phức tạp và có thể biểu hiện khác nhau ở từng người nên danh sách các triệu chứng như các TikToker không thể đúng với tất cả. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng rất khó để tự theo dõi các biểu hiện bệnh mà phải nhờ một bên thứ ba như nhà trị liệu hay bác sĩ để tham vấn tâm lý.
Xem bệnh tâm thần như chiến tích
Nhà trị liệu Sara Anne Hawkins cho biết cô từng gặp 3 bệnh nhân tự cho rằng mình bị dị ứng tiếng ồn (misophonia). Chứng bệnh này khiến họ có phản ứng tiêu cực quá mức với những âm thanh rất bình thường như tiếng nhai hay tiếng thở.
“Họ xem những triệu chứng trên TikTok rồi tự đối chiếu với bản thân và cho rằng đó chính là mình”, chuyên gia nói. Nhưng sau khi khám bệnh, chỉ có một người trong số họ mắc chứng rối loạn tâm thần. “TikTok đã làm người trẻ nghĩ rằng cũng nhiều người bị như họ. Nhưng thực tế các thông tin chưa qua kiểm chứng này lại rất nguy hiểm”, Sara Anne Hawkins chia sẻ.
Những thông tin chưa kiểm chứng trên TikTok tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần người dùng. Ảnh: AP. |
Ronan Cosgrove (16 tuổi), tham gia TikTok từ 4 năm trước, nhận thấy bạn bè mình đang có xu hướng tự cho rằng mình đang mắc bệnh tâm thần chỉ vì xem các video trên mạng xã hội. Chàng trai cho rằng các chứng bệnh này đang dần được xem như một đặc điểm tâm lý mà ai cũng muốn có.
Trên TikTok, những người nổi tiếng nói rằng họ bị bệnh và vẫn trông thật ngầu với nó. Điều này khiến người xem nảy sinh tâm lý ngưỡng mộ và tự cho mình bị bệnh giống họ.
Giới trẻ viện những triệu chứng tinh thần của mình để tìm kiếm một tiếng nói chung, thậm chí còn tự vẽ ra bệnh như một chiến tích và đi rêu rao với người khác rằng mình đang có bệnh, Mitch Prinstein, Giám đốc Viện American Psychological Association, chia sẻ.
Hiểm họa thông tin sai lệch từ TikTok
Một nghiên cứu hồi tháng 3 đăng trên JMIR Formative Research đã chỉ ra các video được gắn thẻ #mentalhealth trên TikTok có thể thu về hàng tỷ lượt xem. Giới trẻ tìm đến TikTok như một chỗ dựa tinh thần và nhận lời khuyên từ những người dùng khác.
“Điều đáng lo ngại là họ sẽ chẩn sai bệnh và chữa trị không đúng cách nếu không có hướng dẫn từ chuyên gia”, Corey H. Basch, Giáo sư tại William Paterson University of New Jersey, cho biết. Những người trẻ cũng sẽ có nguy cơ tiếp cận phải những thông tin sai lệch, dẫn đến những hành vi tiêu cực như làm đau bản thân, làm tổn thương người khác, bà nói thêm.
Do đó, người dùng cần cảnh giác và tiếp nhận có chọn lọc những thông tin trên TikTok, đặc biệt là những kiến thức về sức khỏe.
Cô bé Kianna sau một thời gian dài tự cho rằng mình bị mắc chứng rối loạn tâm thần đã tìm mọi cách để điều trị nhưng đều không thành công. Cuối cùng, sau khi gỡ bỏ giãn cách, học sinh đi học như bình thường, cô bé đã tìm lại niềm vui bên bạn bè của mình.
“Đừng tự nghĩ rằng mình bị mắc bệnh tâm thần rồi vật lộn với nó một mình. Mọi người đều cần được yêu thương”, Kianna chia sẻ.