Những tình huống khó xử khi người yêu cũ buộc phải sống chung nhà
Gia đình - Ngày đăng : 11:02, 14/11/2022
Khi Chantal Tucker chia tay với người yêu lâu năm của mình, cô lập tức tìm kiếm một nơi ở mới cho bản thân. Tucker năm nay 37 tuổi và đồng sở hữu một căn hộ ở London (Anh) với bạn trai 5 năm của mình. Khi chia tay, cô hy vọng anh sẽ trả lại phần chia sẻ của mình và giúp đặt cọc một căn phòng khác, nhưng khi đại dịch tới, mọi chuyện đổ bể cả.
"Chúng tôi đều đồng ý điều dễ nhất có thể làm là, tôi cứ ở yên cho tới khi tình hình Covid ổn định" - cô nói.
Trong vài tháng đầu, cặp đôi quyết định sống riêng khi cô vẫn ở lại căn nhà chung, còn bạn trai chuyển về sống chung cùng cha mẹ để chăm sóc họ thời điểm phong tỏa. Nhưng nửa năm sau, khi phong tỏa kết thúc, họ đã có một quyết định khác thường.
"Tôi biết là mình sẽ không đủ khả năng mua một bất động sản nào nữa, và việc phải thuê nhà ở London mãi thật khó chịu. Người yêu cũ và tôi nói chuyện kha khá thời gian đó, và cuối cùng anh ấy quyết định chuyển lại về căn hộ của cả hai".
Từ lúc đó, Tucker và bạn trai cũ đã chung sống. Họ ngủ ở phòng riêng và thậm chí còn mua một cặp mèo cho không gian thêm sống động. Dù quyết định này khá khác thường, họ không phải những người duy nhất làm vậy.
Một nghiên cứu mới đây của công ty bất động sản Anh Zoopla cho thấy 1/3 trong số 500 người đã chung tiền mua nhà với người yêu cũ hiện vẫn ở chung. 1/8 thậm chí còn ngủ chung giường.
Với một số người, như Tucker, trải nghiệm vẫn còn dễ chịu, nhưng có con số gây choáng 91% số trường hợp phải thừa nhận họ không thể giữ thái độ xã giao và 22% phải miêu tả mình cảm thấy "kiệt quệ".
Trong khi nước Anh đang trải qua khủng hoảng giá sinh hoạt, lãi suất cao và thị trường bất động sản đóng băng, càng nhiều cặp đôi bị "mắc kẹt" trong các tình huống khó xử. Theo BBC, các chuyên gia ước tính trung bình những cặp đôi đã chia tay vẫn sống chung thêm 1,3 năm và trả hàng nghìn bảng để dứt điểm khoản thế chấp hoặc tiền thuê.
Sống chung vì tài chính
Đối với Tucker, quyết định vẫn sống chung với người yêu cũ phần lớn là vì tài chính. Cô cho biết thu nhập của mình thấp hơn người yêu cũ khá nhiều và cũng lo rằng giá thuê nhà sẽ cao hơn nhiều khoản vay cô đang gánh.
Mark Pattanshetti, phó giám đốc một công ty môi giới thế chấp ở London cho biết đang ngày càng có nhiều khách hàng lo ngại về tác động tài chính của việc chia tay. Các yếu tố quan trọng khiến họ vẫn chung sống bất chấp khác biệt là chi phí cao của việc ở riêng, sự bất ổn định của công việc cũng như nỗi lo suy thoái.
Trên thực tế, Zoopla chỉ ra có 47% số các cặp đôi vẫn sống chung sau chia tay chỉ ra rằng chi phí chuyển ra ngoài là lý do chính khiến họ không muốn rời đi. Dữ liệu ở một số nước cho thấy những người sống một mình có gánh nặng tài chính mỗi năm lớn hơn đáng kể so với những người sống theo cặp. Ngày càng nhiều người quyết định sống chung vì không thể chi trả chi phí ở riêng.
"Cứ như tàu lượn"
Việc sống chung đúng là giảm áp lực tài chính, nhưng theo Pattanshetti, nó tạo ra áp lực lớn về tinh thần trong nhiều trường hợp khi khách hàng của anh chia sẻ rằng việc đó tác động tiêu cực đến tâm lý họ.
"Mối quan tâm lớn nhất là thu nhập chung sẽ được sử dụng như thế nào giữa hai người nếu họ chọn sống cuộc sống riêng biệt dưới cùng một mái nhà, đặc biệt nếu một người kiếm được nhiều hơn người kia và kiểm soát phần lớn chi tiêu của hộ gia đình cũng các khoản đóng góp thế chấp", anh nói.
"Cũng có những căng thẳng về mặt cảm xúc đối với một hoặc cả hai bên, đặc biệt nếu một người bị buộc phải thực hiện thỏa thuận này vì họ không thể chuyển ra khỏi ngôi nhà chung".
Người yêu cũ sống chung nhà: Khó xử, tránh mặt nhau nhưng không còn lựa chọn nào khác - Ảnh 3.
Việc ở chung với người cũ sau khi chia tay có thể rất khó xử.
Sara Reis, phó giám đốc và lãnh đạo ban nghiên cứu chính sách ở tổ chức Women's Budget Group Anh cho biết, tình huống này có thể khiến phe kiếm được ít hơn - thường là phụ nữ như Tucker - dễ bị tổn thương. Tại Anh, nghiên cứu chỉ ra có đến hơn 1/3 phụ nữ phụ thuộc tài chính vào nửa kia so với chỉ 11% đàn ông.
Tương tự, khảo sát của Zoopla chỉ ra có 46% phụ nữ không có khoản tiết kiệm sau khi chia tay, nên việc lo tiền đặt cọc hoặc mua nhà mới càng trở nên bất khả thi.
Reis cho biết: "Phụ nữ thường có lương và thu nhập thấp hơn, vì vậy khi chia tay, họ sẽ ít có khả năng thuê nhà riêng, đừng nói đến việc mua một nơi ở", Reis nói. Cô cũng chỉ ra rằng tình hình trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây. "Phụ nữ cũng có nhiều khả năng thấy thu nhập của họ bị giảm trong thời kỳ đại dịch, và nhiều người bị buộc phải vay nợ".
Mặc dù việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng nặng nề đến các chủ nhà, nhưng nhiều người thuê nhà cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Ryan Harris, 28 tuổi, vẫn sống với người yêu cũ trong căn hộ thuê ở London kể từ khi họ chia tay vào đầu năm nay. Không đủ khả năng chi trả để phá vỡ hợp đồng thuê 3 năm, cặp đôi đã mắc kẹt với nhau kể từ khi họ chia tay vào tháng 5.
"Chúng tôi cần tiết kiệm 3.000 bảng mỗi người để được giải phóng khỏi hợp đồng cho thuê. Chúng tôi đang tiết kiệm cho khoản này, nhưng với cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt, chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm cách", anh nói. "Mặc dù chúng tôi đã cố gắng duy trì sự văn minh, nhưng trải nghiệm cứ như một chuyến tàu lượn siêu tốc. Đôi khi cũng thân thiện, nhưng có lúc chúng tôi tránh mặt nhau và không nói chuyện trong nhiều ngày".
Giá thuê nhà tăng tăng, thu nhập bấp bênh, lạm phát và lãi suất cao khiến nhiều người không còn lựa chọn khác.
Ryan và bạn trai cũ ban đầu ở chung căn hộ với một người thuê khác, nghĩa là họ thậm chí phải ngủ chung giường trong 2 tháng đầu. Người bạn cùng nhà của họ cuối cùng quyết định rời đi, chỉ ra rằng bầu không khí trở nên tồi tệ như thế nào kể từ khi cặp đôi chia tay là lý do để họ ra đi. Mặc dù điều này giúp Ryan có thêm không gian và phòng ngủ riêng, anh chia sẻ rằng mình đã phải vật lộn với những thay đổi gần đây, bao gồm cả việc người yêu cũ đưa người khác về nhà.
"Tôi đã sẵn sàng chuyển ra ngoài ngay khi có thể, nhưng thực tế tôi nghĩ có lẽ sẽ mất vài tháng nữa", anh nói. "Điều đó chắc chắn khiến tôi phải suy nghĩ kỹ về việc chuyển đến sống chung với người mới trong tương lai".
Tương lai bất định
Tucker là một trong những người may mắn trong câu chuyện này. Cuộc chia tay của cô khá dễ chịu khi cả hai vẫn hỗ trợ và coi nhau như bạn bè. Tuy nhiên, dù cô và người yêu cũ hiện đang hạnh phúc với hoàn cảnh sống của họ, cô vẫn lo lắng cho tương lai.
"Tôi nghĩ động lực chính cho sự thay đổi sẽ là nếu một trong hai chúng tôi có một mối quan hệ lâu dài khác", cô nói. "Người yêu cũ của tôi tưởng tượng đến việc cuối cùng sẽ chuyển đến sống với ai đó khác, điều này tôi nghĩ là hoàn toàn tự nhiên".
Nếu anh rời đi, cô tính toán mình sẽ phải tìm một người ở thuê để chi trả phần chi phí còn lại. Tucker đã cố gắng đạt được một giải pháp hòa bình, tình hình vẫn còn bấp bênh đối với một số lượng lớn chủ nhà và người cho thuê đang trải qua hoàn cảnh tương tự.
Đối với người thuê, lãi suất tăng nhanh chóng sẽ thúc đẩy tăng tiền thuê nhà. Khi khoảng cách giữa thu nhập và chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên thu hẹp đối với những người không phải là chủ nhà và việc sống một mình ngày càng trở thành một lựa chọn không thể thực hiện được, nhiều người có thể chọn ở lại với người yêu cũ theo một thỏa thuận đã có sẵn thay vì vật lộn trên thị trường cho thuê giá rẻ để tìm một nơi ở mới.
Mặc dù những nỗi sợ hãi này vẫn còn tồn tại, nhưng hiện tại, Tucker cho biết cô rất vui khi tiếp tục nói chuyện với người yêu cũ và tiếp tục điều chỉnh khi cuộc sống thay đổi.
"Ngoài việc phải giải thích tình hình của chúng tôi với những người bạn đang nghi ngờ, thật tuyệt khi khám phá ra một kiểu quan hệ đối tác mới không dựa trên một cam kết lãng mạn"- cô nói. "Điều đó đã giúp chúng tôi học cách chăm sóc lẫn nhau như những người bạn, nhưng cũng có thể độc lập hơn một chút về mặt cảm xúc".
Theo PNVN