Nuôi cả nghìn con rắn trong bể xi măng, thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm

Bất động sản - Ngày đăng : 09:59, 14/11/2022

Chàng trai ở miền Tây nuôi 1.500 con rắn ri voi bố mẹ, mỗi năm anh thu về khoảng 600 triệu đồng nhờ bán rắn giống.

Xem clip:

Giữa trưa ngày cuối tuần, bà Trần Thị Ý (ở xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) giúp con trai là anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh (31 tuổi) cho đàn rắn ri voi hàng nghìn con ăn. Bà Ý cho hay con trai đi giao rắn giống cho khách nên không kịp về cho đàn rắn bố mẹ ăn.

Quy mô trang trại rắn ri voi của anh Khanh thuộc hàng “khủng” ở tỉnh Tiền Giang, với 1.500 con bố mẹ.

Anh Khanh kể, học xong THPT, anh đi nghĩa vụ quân sự, rồi đi làm thuê ở TP.HCM.

Bà Trần Thị Ý kiểm tra đàn rắn ri voi của gia đình có đang phát triển tốt không.
Những con rắn ri voi bố mẹ mà con trai bà Ý nuôi.

Năm 2011, anh Khanh nuôi thỏ nhưng không thành công. Lúc này, tình cờ Khanh biết được mô hình nuôi rắn ri voi qua báo đài. Sau thời gian vừa mày mò nghiên cứu vừa học hỏi kinh nghiệm các hộ đi trước, anh Khanh quyết định xây bể xi măng rồi mua 100 con rắn ri voi giống về nuôi.

"Rắn ri voi là loài hiền, không độc, giá trị kinh tế cao, tiêu thụ mạnh trên thị trường. Ban đầu tôi bỏ ra số vốn khoảng 80 triệu đồng, số tiền rất lớn vào thời điểm 11 năm trước, bởi vậy nếu nuôi rắn ri voi thất bại là ôm nợ”, anh Khanh nhớ lại.

Nhờ được chăm sóc tốt, đàn rắn ri voi của anh Khanh phát triển tốt và bắt đầu sinh sản lúc 1,5 năm tuổi. “Rắn ri voi dễ nuôi, ít bệnh, nhẹ công chăm sóc; từ 5-7 ngày mới cho ăn một lần; thức ăn chủ yếu là cá trê”, anh Khanh nói.

Hiện anh Khánh có đàn rắn bố mẹ khoảng 1.500 con.

Trại nuôi của anh Khanh hiện có hơn 20 bể nuôi, mật độ thả từ 10-15 con/m2. Trong bể nuôi anh để dây nilon để rắn trốn bên dưới. Ngoài ra, để tạo môi trường tự nhiên cho rắn phát triển, anh còn thả tàu dừa, lục bình, rau, bèo… vào bể.

“Rắn là loài chui rúc, bởi vậy khi nuôi phải tạo môi trường cho chúng có cảm thấy thoải mái, tự nhiên nhất để mau lớn, đạt hiệu quả”, anh Khanh chia sẻ. Chỉ cần thả cá trê vào bể là rắn tự ăn, tự thay da để lớn; tỷ lệ hao hụt cũng rất ít, chỉ khoảng 2%.

Ngoài việc cho ăn cá trê, anh Khanh cũng thường xuyên thay nước, vệ sinh bể nuôi rắn.

Nuôi rắn trong bể xi măng, anh Khanh dễ theo dõi được tập tính sinh hoạt của rắn và quan sát chất lượng nước. Nếu con nào bệnh thì bắt ra ngoài để trị.

“Rắn nuôi khoảng 1,5 năm tuổi đạt trọng lượng khoảng 1,5kg và bắt đầu sinh sản, từ 5-10 con. Những năm về sau, rắn sẽ đẻ nhiều hơn, mỗi lứa rắn mẹ có thể đẻ từ 25-30 con, trong khoảng từ tháng 4-6 âm lịch”, anh Khanh nói.

Rắn ri voi là loài không có độc, giá trị kinh tế cao.
Loài rắn này thường được người dân miền Tây chọn nuôi để phát triển kinh tế.
Nhờ vào nuôi rắn ri voi, anh Khanh thu nhập khoảng 600 triệu/năm.

Mỗi năm anh Khanh xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 con rắn giống, với giá từ 50.000-60.000 đồng/con, tùy vào ngày tuổi. Còn rắn thịt bán với giá 600.000-650.000 đồng/1kg (loại mỗi con từ 1kg trở lên). Nhờ vào nuôi rắn ri voi, mỗi năm anh Khanh thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

“Nhờ vào mô hình nuôi rắn ri voi này mà gia đình tôi có thu nhập ổn định. Rắn ri voi dễ nuôi hơn lươn, chỉ có việc cho ăn, thay nước thôi”, bà Trần Thị Ý (mẹ của anh Khanh) chia sẻ thêm.