Chờ ngày bệnh viện tự chủ

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:12, 13/11/2022

Vấn đề lương bác sĩ không đủ sống vẫn là một câu chuyện được đem ra bàn luận suốt nhiều năm nay. Trò chuyện với Lao Động, Bác sĩ Trần Văn Phúc - 1 trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 (hiện công tác tại Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội) cho rằng nếu trích ngân sách của Nhà nước để trả lương bác sĩ sẽ chẳng thể nào lo được lương cho nhân viên y tế đủ sống. Bài toán cần giải chính là cơ chế tự chủ bệnh viện, cơ chế rất hay nhưng hiện nay chúng ta đang làm một cách chưa thực sự triệt để.
Chờ ngày bệnh viện tự chủ
Bác sĩ Trần Văn Phúc. Ảnh: NVCC

Tự chủ bệnh viện hiện nay là "dở dơi dở chuột"

Lương bác sĩ không đủ sống là câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều năm nay, anh nhìn nhận như thế nào về chuyện này?

- Lương thấp đẩy đời sống của nhân viên y tế rơi vào thực trạng vô cùng khó khăn, và đến nay tình trạng đó lại càng nặng nề hơn nữa. Trên thế giới, ở đa số các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển, bác sĩ là ngành nghề mà chẳng mấy ai phải lo lắng về thu nhập, về đời sống. Bác sĩ có nghĩa là một người có lượng chất xám rất cao, vai trò trách nhiệm với xã hội rất lớn, bù lại, thu nhập của họ xứng đáng, không phải lo lắng về đời sống. Tại sao bao nhiêu năm qua, chúng ta vẫn cứ loay hoay với bài toán "cơm áo gạo tiền" cho y bác sĩ?

Nếu trích ngân sách của Nhà nước để trả lương bác sĩ thì sẽ chẳng thể nào lo được lương cho nhân viên y tế đủ sống. Bài toán cần giải chính là cơ chế tự chủ bệnh viện, cơ chế rất hay nhưng hiện nay chúng ta đang làm một cách chưa thực sự triệt để.

Bài toán là cần làm lại tự chủ bệnh viện một cách đúng nghĩa. Còn tự chủ hiện nay, như các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K vừa từ chối, là không phải tự chủ mà để bệnh viện tự hạch toán, nhưng lại khống chế mức giá và luôn là mức giá lỗ. Vấn đề tiền lương của nhân viên y tế, không nên chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước, phải giao các bệnh viện tự lo và các bệnh viện phải được tự chủ thực sự.

Lương nhân viên y tế phải đưa về cho các bệnh viện tự lo, làm sao đảm bảo đủ sống. Lúc này phải giải bài toán tính đúng tính đủ. Cứ nói rằng khống chế để có dịch vụ y tế giá rẻ, nhưng thực chất, nếu giá rẻ thì chỉ mua được rất nhiều rủi ro, chứ không mua được thuận lợi. Ngược lại, nếu tính đủ tính đủ thì câu chuyện sẽ khác. Đồng thời, phải đảm bảo Quỹ Bảo hiểm y tế để dân đi khám bệnh không cần bỏ tiền túi ra nữa.

Tính đúng tính đủ thì giá dịch vụ y tế sẽ rất cao. Người dân sẽ phải chi trả các khoản rất lớn cho y tế?

- Không thể áp dụng một giá chung cho tất cả các bệnh viện, mỗi bệnh viện phải có một mức giá khác nhau, dựa trên 7 cấu phần giá mà Bộ Tài chính, Bộ Y tế đưa ra quy định tại các thông tư.

Khống chế bằng cách, khi bệnh viện xây dựng cấu thành giá, thì phải giải trình với cơ quan chức năng, để họ thẩm định về 7 cấu phần giá như lương nhân viên y tế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế... Với một mức giá phù hợp với các cấu phần giá như vậy, thì giá dịch vụ y tế ở các bệnh viện sẽ khác nhau, khác một cách hợp lý. Như vậy, sẽ đảm bảo được chất lượng y tế, đảm bảo được thu nhập nhân viên y tế, sẽ giúp được cho người bệnh. Cơ chế bảo hiểm y tế cũng cần phải thay đổi để người bệnh đi khám không phải bỏ tiền túi ra nhiều như hiện nay.

Giá dịch vụ y tế cao nhưng Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả. Trên thế giới, tại nhiều quốc gia đều làm như vậy. Tại Mỹ, theo tìm hiểu của tôi, có siêu âm giá chỉ 8 USD, nhưng lại có siêu âm giá lên đến 1.800 USD. Dù giá khác hẳn nhau như vậy, nhưng bảo hiểm y tế vẫn thanh toán. Vì các quốc gia có cách thu bảo hiểm y tế khác nhau.

Ví dụ như ở Thụy Điển, bảo hiểm y tế thu theo hình thức: nhiều người bị bệnh nhẹ góp tiền cho một người bị bệnh nặng. Cụ thể, nếu bệnh nhân đi khám trong vòng 1 năm mà chỉ bị bệnh nhẹ như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt thông thường... không phải nhập viện thì bệnh nhân phải đóng toàn bộ số tiền, lên đến một mức nào đó (khoảng 3,3 triệu đồng) thì bảo hiểm y tế sẽ chi trả. Hầu hết bệnh nhân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế thì sẽ có 95-97 người bệnh nhẹ, nhiều người thậm chí không cần phải chữa.

Người bệnh chờ khám tại một bệnh viện tuyến trung ương. Ảnh: Thùy Linh
Người bệnh chờ khám tại một bệnh viện tuyến trung ương. Ảnh: Thùy Linh

Nghe có vẻ là... hơi vô lý! Chuyện này khó có thể xảy ra ở Việt Nam?

- Ở Việt Nam, vì bảo hiểm y tế thanh toán hết, nên những người đó cứ đến bệnh viện, đi khám, lấy thuốc, từ 1-15 hàng tháng là đua nhau đi khám, sau ngày 15 hàng tháng, sẽ hết thuốc, trong khi đó họ lấy thuốc về chỉ để đó hoặc vứt đi. Đây là hiện tượng trục lợi bảo hiểm y tế không hiếm thấy ở Việt Nam. Vậy thì, thay vì bảo hiểm y tế thanh toán hết cho 100 người, thì 95-97 người bệnh nhẹ kia sẽ phải bỏ tiền túi ra 100% để đóng.

Như vậy, mỗi người dân đi khám bệnh, họ sẽ phải bỏ ra 3,3 triệu trong 12 tháng, với số tiền này, cũng không có ai bị đẩy đến đường cùng cả. Ngược lại, thu tiền của 95-97 người bệnh nhẹ đó, nhân với 3,3 triệu thì số tiền sẽ là rất lớn, để dành đầu tư vào điều trị cho những người bệnh nặng. Lúc đó, bệnh nhân nặng sẽ không phải suy nghĩ gì nhiều, vì đã có bảo hiểm y tế chi trả, họ chỉ lo ăn uống, nghỉ ngơi để cho nhanh khỏi bệnh.

Hình thức thứ 2, tất cả thuế thu nhập cá nhân sẽ được khấu hao một tỉ lệ khá lớn vào bảo hiểm y tế. Thứ 3 là thuế doanh nghiệp cũng sẽ được khấu hao một tỉ lệ lớn vào bảo hiểm y tế. Thứ 4 là thu từ tiền lương. Thứ 5 là đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, thứ 6 là có một nguồn vốn của Chính phủ trích ra. Với 6 nguồn vốn như vậy, bảo hiểm y tế sẽ tha hồ chi, sẽ không lo bị vỡ quỹ, không có tiền để chi trả cho người bệnh.

Làm sao kiểm soát được việc chi quỹ bảo hiểm y tế kiểu như vậy?

- Lúc này bảo hiểm y tế sẽ phải giám sát bác sĩ điều trị, thúc đẩy bác sĩ làm sao tốt nhất cho bệnh nhân để họ nhanh khỏi bệnh. Chi phí dành cho một bệnh nhân nằm điều trị 3 tuần khác hoàn toàn với chi phí cho một bệnh nhân nằm điều trị 3 ngày đã khỏi bệnh.

Vậy thì bảo hiểm y tế sẽ thuê các chuyên gia giám sát bác sĩ điều trị, nếu bác sĩ cho thuốc không tốt, chẩn đoán chính xác, chỉ định điều trị không phù hợp... để làm sao bệnh nhân được hưởng y tế tốt nhất, nhanh khỏi bệnh nhất.

Khi đi theo con đường đó, y tế sẽ có chi phí để trả cho nhân viên y tế, với mức thu nhập cao, đáp ứng được nhu cầu của y bác sĩ, xứng đáng với công sức, lượng chất xám họ bỏ ra. Đương nhiên, bác sĩ làm ở bệnh viện này với mức lương cao, sẽ kéo theo các bệnh viện khác cần phải thay đổi, để thu hút bác sĩ, thu hút bệnh nhân.

Nhiều bệnh viện đang như một... bách hóa tổng hợp

Anh thấy mức lương của bác sĩ hiện nay như thế nào? Liệu có đủ sống không?

- Các bệnh viện tự chủ quy định thu nhập của bác sĩ không được quá 2 lần tiền lương. Lương của bác sĩ như của tôi, với thâm niên hơn 20 năm mà hiện nay là 8,9 triệu. Lương bác sĩ mới làm 5-7 năm thì được khoảng 5-7 triệu, cộng thêm với cơ chế tự chủ cho thu nhập tăng thêm gấp đôi thì tổng thu nhập bác sĩ khoảng 17-18 triệu. Mức lương này, ở Hà Nội chúng tôi sống bằng cái gì? Để có thể lo được cho con cái, gia đình, nhà cửa... là khó khăn vô cùng.

Thực trạng hiện nay, tại hầu hết các bệnh viện công, bạn sẽ không thể tưởng tượng được đời sống nhân viên y tế khổ như thế nào. Nhiều bệnh viện hiện nay rơi vào tình trạng như một "bách hóa tổng hợp". Nhân viên y tế bán gà, lợn, bán quần áo, giày dép, bán rau cỏ, bán đủ thứ trên đời. Họ kêu gọi đồng nghiệp mua, quảng cáo là có gà sạch, rau sạch, thực tế là không ít người đi lấy đồ ở chợ đầu mối về bán. Và chỉ chờ hết giờ làm là sẽ đi giao hàng cho nhau.

Tôi cho rằng để thay đổi thì cần quyết liệt, làm đến nơi đến chốn, nếu không, sẽ giống như 50 năm qua, câu chuyện vẫn đang dở dang, không có nhiều thay đổi và tốn quá nhiều giấy mực mà không giải quyết được.

Tỉ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao, trên 40% tổng chi

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hiện nay ngân sách Nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Tỉ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao, chiếm trên 40% tổng chi. Độ bao phủ BHYT rộng nhưng chưa bền vững.

Giang Thùy Linh (thực hiện)