Khối tài sản lớn của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị kê biên điều tra
Pháp luật - Ngày đăng : 09:00, 13/11/2022
Theo kết luận điều tra, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty AIC) không chỉ phạm vào tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng mà còn phạm vào tội Đưa hối lộ.
Quá trình điều tra vụ án, CQĐT đã phong toả hơn 107 tỷ đồng là số dư 4 tài khoản của Công ty AIC mở tại ngân hàng. CQĐT đã kê biên 1 nhà biệt thự có diện tích 357m2 tại số 99 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên.
Tháng 7/2022, CQĐT đã ra lệnh kê biên đối với 1 biệt thự diện tích 453m2 tại số 21 phố nguyễn Huy Tự (Hà Nội) đứng tên bà Nhàn.
CQĐT cũng ra lệnh kê biên đối với tài sản là 6 căn hộ chung cư tại chung cư Pacific Place ở 83B phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Tháng 9/2022, CQĐT Bộ Công an tiếp tục kê biên 1 thửa đất diện tích 4,065m2 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về đấu thầu
Trong vụ án này, CQĐT xác định, ngoài các bị can đã khởi tố, đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở mức độ khác nhau.
Có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự, hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự… Do đó, căn cứ tính chất, mức độ; đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, CQĐT kết luận và có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật.
Ngoài ra, CQĐT cũng cho rằng, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được Trung ương bố trí vốn trái phiếu Chính phủ và vốn kho bạc Nhà nước với số tiền lớn, trong đó có việc bố trí nguồn vốn ngân sách ngoài kế hoạch vượt mức quy định.
Do Công ty AIC trúng thầu nhiều dự án có liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương nên để đảm bảo việc điều tra, kết luận tổng thể các dự án có liên quan, CQĐT Bộ Công an tách phần điều tra xác minh liên quan đến phân bổ, sử dụng, quyết toán nguồn vốn Ngân sách Trung ương để điều tra xác minh, làm rõ và xử lý sau.
CQĐT cũng kiến nghị: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch; Có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái quy định của pháp luật;
CQĐT kiến nghị việc quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai giá thiết bị, hàng hoá trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý;
Yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc doanh nghiệp nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng.
CQĐT kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính (sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan thuế), năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt “quân xanh” dự thầu.