Dịch chồng dịch, chuyên gia cảnh báo ca mắc bệnh đường hô hấp tăng mạnh
Tin Y tế - Ngày đăng : 21:34, 12/11/2022
Sốt xuất huyết tăng nhanh
Chị Đoàn Thị L., trú ở thành phố Thái Bình được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng tiểu cầu giảm thấp, xuất huyết tiêu hóa. Ban đầu chị tưởng sốt bình thường, ba ngày sau hết sốt nhưng người mệt nên vào viện khám thì được chẩn đoán sốt xuất huyết phải nhập viện.
Nhập viện tuyến dưới chị L. bị biến chứng xuất huyết, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu, xuất huyết dạ dày, bụng chướng. Vì vậy, chị được chuyển lên Hà Nội. Sau hai ngày điều trị tích cực theo phác đồ điều trị biến chứng sốt xuất huyết, sức khỏe của chị tốt dần.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng chiếm hơn nửa giường bệnh. Nhiều người sốt cao, tự hạ sốt không đỡ, khi vào viện tiểu cầu xuống rất thấp nên phải nhập viện. Không chỉ ở Hà Nội mà bệnh nhân từ một số tỉnh phía bắc cũng được chuyển tới do biến chứng nặng.
Ở bệnh viện này, mỗi ngày khoảng hơn 100 người bị biến chứng xuất xuất huyết vào khám. Trong đó hơn 10% bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu.
PGS.TS Đỗ Duy Cường (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 270.000 người mắc, hơn 100 ca tử vong. Dự báo thời gian tới số mắc và tử vong tăng thêm.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn và năm nay cũng vậy.
Tại đơn vị, nếu tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 người, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250. Các bệnh nhân chủ yếu từ các quận, huyện như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
“Chúng tôi lo ngại tháng 11 và tháng 12 sẽ là đỉnh điểm của sốt xuất huyết và nguy cơ dịch chồng dịch khi COVID-19 đang tồn tại. Đây cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch khác như cúm, sởi, thủy đậu, adeno virus...”, PGS Cường nói.
Trung bình một ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 10 - 20 bệnh nhân nặng dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng,.. nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra bệnh nhân bệnh nền như gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh trên người tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định sốt xuất huyết Dengue đang tăng nhanh, số ca mắc gấp đôi so với cùng kỳ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11. Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho thấy, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao.
Dịch COVID-19 khó lường
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 11/11 cho biết, 630 ca mắc COVID-19, tăng hơn 200 ca so với hôm qua.
Omicron vẫn là biến thể lưu hành chính trên toàn thế giới. Biến thể phụ Omicron BA.5 và các dòng phụ tiếp tục chiếm ưu thế trong số mẫu được giải trình tự gene. Biến thể Omicron tái tổ hợp XBB và XBB.1 hiện chiếm tỷ lệ 1,4% và được phát hiện tại 35 quốc gia. Đây là một trong những biến thể có khả năng né tránh hệ miễn dịch cao nhất.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, tình hình dịch COVID-19 vẫn phức tạp và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngành Y tế cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc ngành Y tế cần đánh giá tốt nguy cơ. Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh hiện tượng không kiểm soát được dịch bệnh. Người dân cũng nên thực hiện tốt biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, khử khuẩn, đặc biệt chú ý nguy cơ tiếp xúc gần với những người có triệu chứng bệnh, dự phòng đám đông, môi trường kín.
Về diễn biến dịch từ nay đến cuối năm, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch COVID-19 chưa kết thúc, nước ta vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới nhưng không tăng đột biến. Số ca bệnh nặng và tử vong cũng không quá nặng nề do Việt Nam đã có kinh nghiệm, năng lực trong phòng chống dịch. Hơn nữa, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam khá cao.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng nhìn nhận, với những gì đã trải qua và tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao như hiện nay, chắc chắn nước ta sẽ không thể bùng phát làn sóng dịch mới như trước đây.
Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định” mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Đậu mùa khỉ và ca mắc bệnh hô hấp tăng
Đến nay ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại TP.HCM. Đây đều là ca nhập cảnh đã được phát hiện và xử lý theo quy định ngay tại cửa khẩu, không có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, với tần xuất mắc cao, địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập đậu mùa khỉ vào Việt Nam là hiện hữu.
Nguy cơ xâm nhập Việt Nam đậu mùa khỉ vào Việt Nam là hiện hữu.
“Dù xâm nhập hay không thì chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ thì người dân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh khai báo, vừa để bảo vệ cho bản thân vừa để được điều trị đầy đủ và tránh lây nhiễm cho người khác”, ông Lân nói.
Ngành Y tế đã xây dựng kịch bản với những trường hợp: Khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập, khi có ca lây lan trong cộng đồng… Các kịch bản linh hoạt nhằm đảm bảo khi xuất hiện ca bệnh thì đáp ứng kịp thời.
Mới đây, Bộ Y tế đưa bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B, thuộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B). Triệu chứng của cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.
Tiêm vaccine đầy đủ
Cho rằng nhiều bệnh truyền nhiễm cùng xuất hiện là "không bất thường" song PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bày tỏ lo ngại hiện tượng này gây khó khăn cho ngành y tế.
Điều này càng trở nên đáng lo hơn trong bối cảnh hệ thống đang tồn tại một số bất cập như thiếu thuốc, vật tư y tế, quá tải bệnh viện. “Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp mà không có hóa chất phun, không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, trong khi các bệnh khác vẫn tấn công sức khỏe mỗi người. Một bệnh đã vất vả mà bây giờ xuất hiện cùng lúc các bệnh khác nhau, ngành y tế càng vất vả hơn”, ông Phu nói.
Vị chuyên gia cho rằng, lúc này ngành y tế cần chú ý dịch sốt xuất huyết do số ca mắc và tử vong tăng so với năm trước. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục theo dõi các bệnh khác như đậu mùa khỉ, cúm A/B, các bệnh do virus Adeno. “Chúng ta phải tiếp tục theo dõi cúm độc lực cao, cúm lây từ gia cầm”, ông Phu nói.
Đối với cúm mùa, chuyên gia khuyên cần để ý nhóm dễ bị tổn thương, người già, người mắc bệnh nền. Khi nhiễm cúm cũng có thể diễn biến bệnh nặng và tử vong.
Do xuất hiện song song nhiều loại bệnh cùng lúc nên người dân phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh. Người dân cũng chú ý việc đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng. Người mắc bệnh cần đến cơ sở y tế chẩn đoán xem bệnh gì và theo dõi sức khỏe. Người dân cần tiêm vaccine đầy đủ với những bệnh có vaccine phòng.
Ông Trần Đắc Phu cho rằng, thời điểm này, ngành y tế cần chú ý dịch sốt xuất huyết do số ca mắc và tử vong tăng so với năm trước.
Ông Phu nói thêm, khi dịch bệnh xảy ra, người dân không lơ là chủ quan cũng không nên lo lắng quá. Vừa qua, các bà mẹ cho con đi xét nghiệm cúm A, Adenovirus khi không có chỉ định của cơ quan y tế gây tốn kém và không cần thiết. Hay dịch cúm A/H5 mới ghi nhận một ca mà nhiều người sợ, không dám ăn thịt gà… vô tình gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi…
Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, Việt Nam đang xuất hiện cùng lúc nhiều bệnh khác nhau như COVID-19, cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ... Đây là điều đáng lo ngại đặc biệt khi nhân lực y tế mỏng, thuốc men, vật tư thiếu sau đại dịch COVID-19.
Trong số các dịch bệnh đang diễn ra, ông Dũng đặc biệt nhấn mạnh ngành y tế cần chú ý các dịch bệnh về đường hô hấp do bệnh này có khả năng lây lan nhanh hơn so với các bệnh khác và rất dễ tạo ra làn sóng dịch mới. Tổ chức Y tế thế giới cũng nhận định, sự xuất hiện của các bệnh đường hô hấp rất đáng quan ngại. Sau khi bị COVID-19, hệ miễn dịch kém dần, nếu bị nhiễm các bệnh khác, bệnh sẽ nặng hơn.
Để phòng bệnh trong bối cảnh dịch chồng dịch hiện nay, ông Dũng lưu ý người dân cần tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ; thực hiện quy tắc phòng chống bệnh đường hô hấp. Nếu cảm thấy mệt, không khỏe, có triệu chứng bệnh đường hô hấp thì nên nghỉ ngơi, không nên tiếp xúc đông người. Nếu ho, hắt hơi, chúng ta phải dùng tay che miệng, đeo khẩu trang thường xuyên.
Với ngành Y tế, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, ngoài việc vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh, ngành Y tế cần giám sát dịch tễ xem dịch COVID-19 tăng hay giảm, dịch bệnh xảy ra với chủng nào để theo dõi, can thiệp kịp thời, chăm sóc y tế những người nguy cơ cao.