Ngộ độc rượu trôi nổi ở các vùng quê

Tin Y tế - Ngày đăng : 14:43, 12/11/2022

Nhiều vụ ngộ độc rượu tập thể ở các tỉnh miền Tây liên tiếp xảy ra gây ra hậu quả chết người, hầu hết rượu đều không rõ nguồn gốc và đảm bảo an toàn cho người dùng.
Ngộ độc rượu trôi nổi ở các vùng quê
Người ngộ độc rượu có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Ảnh: PV

Vụ ngộ độc rượu khiến 14 người đi cấp cứu sau khi dự đám tang tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã có 3 người không qua khỏi.

Vụ ngộ độc rượu tập thể ở Kiên Giang đang được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra nguyên nhân.

Cách đây không lâu, cuối tháng 7 tại tỉnh Cà Mau, 3 người phụ nữ tử vong sau hai ngày nhậu liên tiếp. Tại tỉnh Bến Tre cũng có 3 người tử vong, nhiều người mờ mắt do ngộ độc rượu. Vụ việc này một lần nữa cảnh báo tình trạng người dân sử dụng quá nhiều rượu, nhất là rượu không rõ nguồn gốc.

Theo ngành y tế, hầu hết các loại rượu đã sử dụng trong các vụ ngộ độc đều không rõ nguồn gốc, không được cấp Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

Theo bác sĩ Dương Phước Đông - Trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, 3 trường hợp không qua khỏi được người nhà xin cho về lo hậu sự được chẩn đoán ngộ độc Methanol - cồn công nghiệp, với các biến chứng như suy đa tạng, tổn thương thần kinh trung ương.

Bác sĩ Đông thông tin: “Ngộ độc rượu dễ bị nhầm là say rượu vì cùng triệu chứng như đau đầu, chóng mặt nôn ói. Một biểu hiện dễ nhận biết là người bệnh bị mờ mắt, chứng tỏ có tổn thương thần kinh. Khi phát hiện bất thường phải đưa người ngộ độc vào bệnh viện ngay không nên chủ quan để chậm trễ sẽ rất khó điều trị”.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang cho biết có hai loại ngộ độc rượu là ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu khi nạp rượu liên tục thời gian trong nhiều ngày liên tiếp. Thông thường đối với những người nghiện rượu thì tửu lượng tăng theo thời gian nhưng việc ngộ độc mạn tính thường diễn ra tiềm ẩn và âm thầm tàn phá các bộ phận trong cơ thể. Khi ngộ độc rượu mạn tính thường xuất hiện các triệu chứng thường xuyên và thường có nguy cơ tái ngộ độc nếu người bệnh tiếp tục sử dụng rượu.

Ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp nhiều lần mức cho phép.

Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Người ngộ độc rượu có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, ngành y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol); không uống rượu khi đói và không uống nhiều.

Khi ngộ độc rượu, mọi người không cố gắng để làm cho nạn nhân nôn mửa (người đã bị ngộ độc rượu bị giảm phản xạ) có thể làm sặc chất nôn của họ hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi, gây ra chấn thương phổi gây tử vong. Đặc biệt, tránh để nạn nhân uống rượu say rồi đi ngủ vì một số trường hợp có thể bị hôn mê trong khi ngủ hoặc không nên để nạn nhân ngủ li bì suốt ngày đêm. Nếu có biểu hiện bất thường phải đưa đi bệnh viện ngay để điều trị kịp thời.

NGUYÊN ANH