Bức tường chia cắt tuyến đường ven sông Sài Gòn được đề xuất tháo dỡ
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:05, 12/11/2022
Chiều 10/11, tại buổi họp báo định kỳ do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức. Các bên liên quan đã lên phương án phá dỡ bức tường ngăn cách giữa khu dự án Vinhomes Central Park và Saigon Pearl để điều tiết giao thông hiệu quả, tránh ùn tắc trong thời gian sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM), đã thông tin về bức tường chắn con đường ven sông Sài Gòn đang tạo thành vách ngăn giữa khu Saigon Pearl và Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh).
Tuyến đường Trần Kim Trọng chạy ven sông trong khu dân cư Vinhomes Central Park có chiều dài khoảng 1km.
Đoạn cuối của tuyến đường này đang bị ngăn cách bởi một bức tường với dự án Saigon Pearl. Phía bên kia bức tường cũng là đường ven sông và nối thẳng ra khu vực chân cầu Thủ Thiêm 1, hướng về trung tâm thành phố.
Bức tường có chiều dài khoảng 150m, được trồng cây xanh bao phủ. Điểm đầu nối vào công viên Vinhomes Tân Cảng, điểm cuối nối vào khu vực nhà dân phía sau khu Vinhomes Central Park.
Nếu bức tường được dỡ bỏ, các phương tiện di chuyển từ hướng TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh có thể đi thẳng từ đường Trần Kim Trọng (khu Vinhomes Central Park) qua đường D1 (khu Saigon Pearl) để về chân cầu Thủ Thiêm 1, rút ngắn thời gian di chuyển về trung tâm thành phố, giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Điện Biên Phủ.
Hai khu dân cư này đang bị ngăn cách bởi một bức tường cao khoảng 2m và một hàng cây lớn.
Hiện tại, người dân muốn qua lại hai dự án này buộc phải đi vòng ra đường Nguyễn Hữu Cảnh với quãng đường hơn 1km. Hoặc đi bộ qua một cách cửa nhỏ được mở theo khung giờ cố định để phụ huynh dẫn học sinh qua lại trường quốc tế tại dự án Saigon Pearl.
Để thống nhất phương án xử lý, Sở GTVT đã mời các đơn vị liên quan tới làm việc để bàn các phương án.
Tuy nhiên, để tìm ra phương án cuối cùng, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại pháp lý của bức tường. Đồng thời, cơ quan quản lý trực tiếp của bức tường cùng bên liên quan cần có sự đồng thuận.
Qua nhiều năm quy hoạch, dự án đường ven sông Sài Gòn đoạn chạy qua trung tâm thành phố vẫn chưa thể triển khai xong. Một số khu vực đã được cải tạo, nhưng nhiều đoạn dọc bờ sông Sài Gòn vẫn bị nhiều công trình án ngữ.
Đoạn ven sông Sài Gòn dưới chân cầu Thủ Thiêm 1 bị các công trình thể thao, trụ sở văn phòng, bến du thuyền án ngữ. Chưa thể có tuyến đường ven sông nối về trung tâm thành phố.
Trong toàn bộ dự án đường ven sông Sài Gòn giai đoạn 1, chỉ có khu vực Công viên bến Bạch Đằng (đoạn từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 2) là hoàn thành cải tạo, đoạn này rộng hơn 8.700m2, kinh phí xây dựng 35 tỷ đồng.