Hội nghị cấp cao ASEAN 40,41: Cơ hội, thách thức đan xen, kỳ vọng một ASEAN đoàn kết, tự tin vào chính mình!
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 22:40, 11/11/2022
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007-2014). (Ảnh: Quang Hoà) |
Thưa Đại sứ, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 10-13/11 lần này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển cũng như hiện thực hóa các mục tiêu của ASEAN?
Đây là Hội nghị cấp cao trực tiếp của ASEAN bàn về nhiều vấn đề trọng đại của ASEAN, khu vực; đồng thời là kỳ hội nghị đánh dấu sự kết thúc Năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia, chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Indonesia. Từ đó, tôi nhận định kỳ hội nghị lần này có một số điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, đây là cơ hội để ASEAN cùng trao đổi về việc ứng phó với những thách thức mới nổi lên. Trong suốt một năm qua, và cả trước đó-năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, ASEAN đã từng bước tiếp cận và ứng phó với các thách thức từ dịch bệnh, khó khăn kinh tế đến những vấn đề an ninh truyền thống hay phi truyền thống.
Thứ hai, ASEAN sẽ bàn về câu chuyện phải làm sao để củng cố đoàn kết. ASEAN cần phải làm được điều này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng.
Thứ ba, ASEAN cũng sẽ bàn luận về việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025. ASEAN đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình này, tuy nhiên cũng bị hạn chế bởi dịch bệnh và tác động từ môi trường quốc tế.
"ASEAN sẽ bàn về câu chuyện phải làm sao để củng cố đoàn kết. ASEAN cần phải làm được điều này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng". |
Thứ tư, trước những biến đổi khôn lường của quốc tế, cả về chính trị-an ninh và kinh tế-thương mại, việc ASEAN có bắt kịp được hay không với những bước chuyển đổi của thế giới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi sạch cũng là một khía cạnh quan trọng cần phải tính đến.
Cuối cùng, trong khu vực vẫn có rất nhiều động lực cho hợp tác đa phương và thúc đẩy hội nhập với một loạt sáng kiến về khu vực mậu dịch tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… ASEAN cần phải tranh thủ thời cơ, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và đảm bảo một cách căn bản, bắt đầu mở rộng hợp tác để phục hồi kinh tế. Việc ASEAN tăng cường hợp tác không chỉ có lợi cho khu vực mà cho cả mỗi quốc gia thành viên.
Đoàn kết là chìa khóa để ASEAN vượt qua mọi khó khăn. (Nguồn: VGP) |
Đại sứ có kỳ vọng cụ thể nào đối với kỳ Hội nghị ASEAN lần này trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến phức tạp như hiện nay?
Tôi cho rằng, ASEAN sẽ tiếp tục củng cố nhận thức, đồng thuận chung trước một loạt các vấn đề quan trọng, ưu tiên của ASEAN như như việc xây dựng Cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm, thúc đẩy vai trò của các quốc gia là đối tác của ASEAN.
ASEAN đang đứng trước không ít thử thách. Đầu tiên là những chuyển động của thế giới đã tạo ra những rủi ro, phức tạp, trước đã tồn tại nay lại càng phức tạp hơn nữa như về cạnh tranh nước lớn, an ninh khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Do đó, ASEAN không có cách nào khác là cần phải nhấn mạnh những nguyên tắc căn bản của mình và thúc đẩy hợp tác để bảo đảm môi trường hòa bình, phát triển.
Bên cạnh đó, cơ hội đang đến với ASEAN, đan xen cùng với thách thức, nhưng điều quan trọng là ASEAN có tranh thủ được cơ hội hay không? Chính lúc này, bản thân ASEAN phải chủ động nắm bắt. Cho đến nay, cũng có những tiến trình ASEAN đi chậm như chuyển đổi số, xanh và sạch khi chưa có các chương trình hay kế hoạch cụ thể.
Ngoài ra, hiện nay các đối tác rất coi trọng ASEAN khi họ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể kéo theo nhiều cơ hội lớn nhưng song song với đó là không ít thách thức. Đây cũng là lúc ASEAN không chọn bên nhưng phải chọn lợi ích của khu vực và lợi ích quốc gia.
Tới đây, một thách thức không nhỏ với ASEAN chính là thách thức về phát triển. Phát triển hiện nay không chỉ là chiều rộng mà cần chiều sâu hơn nữa trong bối cảnh quốc tế khó khăn. Môi trường an ninh trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, cạnh tranh nước lớn hay vấn đề Myanmar cũng là điều ASEAN cần lưu tâm.
Việt Nam luôn tích cực và chủ động trong các công việc chung của ASEAN, trước một bức tranh chung của tình hình như vậy, Đại sứ trông đợi như thế nào về đóng góp của Việt Nam trong kỳ Hội nghị lần này?
Việt Nam rất coi trọng ASEAN và hợp tác ASEAN. Trên thực tế, sự đóng góp của Việt Nam kể từ khi gia nhập Hiệp hội năm 1995 đến nay đều được coi là tích cực và có trách nhiệm. Tôi cho rằng có một số lĩnh vực thường xuyên là ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác của ASEAN và ASEAN với các đối tác.
"ASEAN muốn làm tốt mọi việc thì cần phải kiên trì lợi ích chung của khu vực và phải đoàn kết. Đây là khía cạnh và nguyên tắc Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh và đóng góp" |
Một là, Việt Nam rất quan tâm tới việc củng cố và tăng cường vai trò của ASEAN trên một số lĩnh vực như xây dựng Cộng đồng, đoàn kết ASEAN, vai trò trung tâm và hợp tác của ASEAN với các nước đối tác lớn để xử lý các thách thức trong khu vực, thúc đẩy hòa bình và phát triển.
Hai là, dịp này ASEAN chắc chắn sẽ bàn đến mục tiêu Cộng đồng ASEAN 2025 và cả giai đoạn sau đó. Vì vậy, lúc này Việt Nam cũng cần đưa ra những sáng kiến. Từ năm 2020, khi giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến trên các mặt hợp tác của ASEAN. Chúng ta cho rằng, ASEAN không chỉ bù lại thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch để thực hiện cho được mục tiêu Cộng đồng 2025 mà còn đồng thời phải điều chỉnh và đưa ra mục tiêu cao hơn trong thời gian tới trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều thay đổi với cơ hội và thách thức đan xen. Điều này không phải là dễ dàng khi các nước trong ASEAN có trình độ phát triển khác nhau.
Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 nhiều thách thức. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ba là, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, vai trò trung tâm của ASEAN cũng sẽ đứng trước một thực tế đan xen cơ hội và thách thức. Cơ hội là các nước đều coi trọng ASEAN, mong muốn tham gia cùng ASEAN để xử lý các vấn đề khu vực nhưng mặt khác, yếu tố về chọn bên càng ngày càng rõ rệt. ASEAN đã nói rất rõ quan điểm không chọn bên nhưng ASEAN chọn hợp tác và nguyên tắc, cùng nhau thúc đẩy mục tiêu chung, bảo đảm môi trường hòa bình và phát triển ở khu vực. ASEAN chọn luật pháp quốc tế, có nghĩa là mọi ứng xử ở khu vực phải dựa trên độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Cuối cùng, bắt buộc ASEAN phải tăng cường hợp tác hơn nữa, ứng phó với những thách thức khu vực và toàn cầu mà không một quốc gia nào đứng riêng rẽ có thể giải quyết được, như câu chuyện biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, ứng phó với nước biển dâng, đại dịch… ASEAN muốn làm tốt mọi việc thì cần phải kiên trì lợi ích chung của khu vực và phải đoàn kết. Đây là khía cạnh và nguyên tắc Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh và đóng góp.
Năm 2022 là năm kỳ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (2002-2022), theo Đại sứ, DOC trong suốt hai thập kỷ qua đã phát huy được những giá trị như thế nào? Triển vọng về một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc và ASEAN đang hướng tới?
Có lẽ chúng ta cần phải thấy 2 mặt của một vấn đề. Lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc dù quan điểm có nhiều khác biệt nhưng đã có được một văn bản thể hiện sự thống nhất chung về những nguyên tắc liên quan đến cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đó là Tuyên bố DOC.
"Chúng ta cần một COC đáp ứng được những nguyên tắc và lợi ích như trên thì có lẽ không nên đặt ra một thời hạn cụ thể. Chính việc duy trì được đối thoại, hiểu biết, thương lượng đàm phán đã là quan trọng" |
Trên thực tế, DOC cũng là chỉ đạo cho ứng xử, đàm phán, trao đổi tiếp theo suốt thời gian qua giữa ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, DOC cũng là cơ sở để các nước bên ngoài, các nước có lợi ích tại vùng biển quan trọng này, đều đồng tình và đồng thuận.
Vậy nhưng, rõ ràng vẫn có những tiếp diễn phức tạp trên Biển Đông, bao gồm cả những rủi ro, nguy cơ. Điều này cho thấy DOC dù rất quan trọng nhưng chưa đủ khi các bên chưa thực hiện cam kết một cách đầy đủ đối với DOC cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Về triển vọng của COC, chúng ta cần nhớ rằng quá trình của DOC hay COC gồm nhiều thành tố cấu thành không nên quên. Trước hết, đó là tiến trình để ASEAN và Trung Quốc đối thoại với nhau, cùng với mục tiêu là duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Thứ hai, cần phải tạo môi trường thúc đẩy được tiến trình này diễn ra thuận lợi, trong đó có việc xây dựng lòng tin và ngăn ngừa những rủi ro phức tạp nảy sinh. Thứ ba là phần kết quả của đàm phán, một kết quả phải bảo đảm được các yêu cầu và nguyên tắc nhất định.
Thời gian qua, ASEAN rất cần một bộ quy tắc thực chất, hiệu quả và phù hợp với UNCLOS 1982. Để các bên thực sự đi vào đàm phán, tin cậy lẫn nhau cần tạo ra môi trường thuận lợi cho đàm phán, hàm ý rằng các bên phải tăng cường hiểu biết, không làm gia tăng phức tạp tình hình. Chúng ta cần một COC đáp ứng được những nguyên tắc và lợi ích như trên thì có lẽ không nên đặt ra một thời hạn cụ thể. Chính việc duy trì được đối thoại, hiểu biết, thương lượng đàm phán đã là quan trọng.
Vừa qua, hai bên đã đạt được rà soát lần một COC cũng là một bước tiến lớn. Chặng đường phía trước còn nhiều vấn đề để đạt được một COC tốt hơn DOC, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, do đó, cần nhiều nỗ lực từ các bên.