Xử lý nghệ sĩ quảng cáo lố, sai sự thật bằng công văn hay công cụ pháp luật?

Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 12/11/2022

Khi các nghệ sĩ quảng cáo các thực phẩm chức năng liên quan đến sức khoẻ hay tiền ảo, “bói tử vi”… sai sự thật, liệu lời xin lỗi đã đủ hay các nhà chức năng cần quyết liệt hơn để ngăn chặn vấn nạn này?

Xem thêm: Cát Tường lại quảng cáo quá lố thực phẩm chức năng?

Quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội đã không còn mới nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn, phần lớn đều phụ thuộc vào hiểu biết của người dùng.

Nghệ sĩ bị phản ứng mạnh khi quảng cáo sai sự thật

Hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ bị cộng đồng mạng phản ứng quyết liệt khi quảng cáo các sản phẩm, đặc biệt liên quan đến sức khoẻ, được cho là bị lố và không đúng sự thật. Đông đảo diễn viên, ca sĩ quảng cáo các mặt hàng, đặc biệt là thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng, và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như Cát Tường, Hoài An, Hồng Vân, Quyền Linh…

nghe-si-quang-cao-vb.jpg
Nghệ sĩ quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội

Phần lớn các quảng cáo của họ bị đánh giá là quá lố, và không có tính khoa học. Đáng lo ngại hơn cả là những tuyên bốchữa dứt những căn bệnh mãn tính và đem người nhà ra làm cam kết. Điều này khiến không ít người kinh ngạc khi các nghệ sĩ bỗng hoá thành bác sĩ có khả năng “chữa bách bệnh”.

Trong vô số quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, cũng có không ít nghệ sĩ bị mạo danh để lừa đảo người dùng. Sau những lần bị tố quảng cáo không đúng sự thật về các bệnh xương khớp, nghệ sĩ Quyền Linh đã đứng ra xin lỗi và hứa không tái phạm. Dù không còn nhận lời quảng cáo các thực phẩm chức năng, nhưng anh vẫn bị lợi dụng hình ảnh trên các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

cattuong.jpeg
Cát Tường quảng cáo đủ các mặt hàng từ mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng... trên trang cá nhân

Ngoài các quảng cáo thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng hay các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, còn rất nhiều các quảng cáo về bất động sản, cho vay tiền, thậm chí cả làm bằng lái xe, tiền ảo… tràn lan trên mạng. Trước đây, Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm đã vấp phải phản ứng của đám đông khi quảng cáo tiền ảo và phải đứng ra xin lỗi, xoá bài viết trên Facebook.

Nếu khán giả trẻ hoặc những người có trí thức dễ dàng phân biệt được quảng cáo trá hình, thì đối tượng bị hướng đến là những bà nội trợ hay khán giả ở các tỉnh thành dễ bị tác động nhiều nhất. Họ thường tin và nghe theo nghệ sĩ, nên có không ít người “lầm tưởng” và kết quả chỉ biết kêu trời.

Xử phạt bằng công cụ pháp luật thay vì công văn chấn chỉnh?

Việc quảng cáo ngày càng tràn lan, gây rối nhiễu cho người dùng nhưng tác động của cơ quan quản lý chưa cho thấy sự mạnh tay. Nghệ sĩ nhận lời quảng cáo xuất phát từ lợi ích vật chất, chắc chắn họ nhận được cát-xê đủ cao để đăng tải, chia sẻ với công chúng.

Trước đây, khi tình trạng nghệ sĩ quảng cáo tràn lan bị lên án dữ dội vào năm 2021, Ban tuyên giáo Thành uỷ TP. HCM đã gửi công văn nêu tình trạng một số nghệ sĩ giới thiệu, quảng cáo trái luật một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo..., có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và tài sản người tiêu dung nên yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ này.

ban-tuyen-giao-vb.jpg
Ban Tuyên giáo ra công văn vào tháng 5/2021 chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo nhưng chưa có hiệu quả

Công văn có đoạn lưu ý các văn nghệ sỹ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Nhưng công văn chấn chỉnh dường như chưa có hiệu nghiệm, phải chăng đã đến lúc xử phạt những nghệ sĩ vi phạm quảng cáo sai sự thật bằng công cụ pháp luật?

Theo đó, những nghệ sĩ có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật để phòng ngừa và răn đe. Bởi nghệ sĩ cầntuân thủ quy định của pháp luật bởi họ cũng là công dân như bao người khác, ngoài ra, họ còn có quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

hg-vb.jpg
Trách nhiệm của nghệ sĩ ở đâu khi quảng cáo các sản phẩm chưa rõ nguồn gốc?

Theo luật sư Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn T2H cho biếthành vi quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm nghiệm chất lượng, trôi nổi trên thị trường thuộc hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.

Cụ thể, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo quy định về hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Tuy nhiên, hiện Luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng không quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trách nhiệm đang được quy về cho chủ sở hữu hàng hóa và bên phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây là lý do nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng lại chưa có căn cứ để xử lý.

Nhiều luật sư cho rằng nếu nghệ sĩ ký hợp đồng quảng cáo giới thiệu sản phẩm nhưng nói không đúng sự thật về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, người dùng không thấy có kết quả tốt như lời quảng cáo hoặc gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, người truyền tải quảng cáo đó phải chịu trách nhiệm.

Theo khoản 1, điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo sẽ phạt tiền 50 -70 triệu đồng với cá nhân, tổ chức nếu có hành vi quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ cấm. Nghị định này có quy định phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

A.N (Tổng hợp)