Cần bàn tay Bộ Giáo dục hậu kiểm thi IELTS
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:00, 11/11/2022
TS Vũ Thị Phương Anh nguyên là Giám đốc Trung tâm Khảo thí chuẩn hóa đầu tiên của cả nước - Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo. Bà chịu trách nhiệm phát triển bài thi Tiếng Anh và nghiên cứu kiểm định sử dụng lý thuyết trắc nghiệm cổ điển (CCT). Bà cũng là tư vấn chiến lược của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 từ năm 2014.
Làm rõ nghi vấn về bảo mật
Theo TS Phương Anh, IELTS được sử dụng rộng rãi trên thế giới như một “bài thi gác cổng”, tức là được dùng làm điều kiện để có thể qua được các vòng tuyển chọn như đủ điều kiện đi du học, xét đầu vào đại học... Chính vì vậy, cần đặc biệt lưu ý việc bảo mật đề.
"Đã có dư luận về việc IELTS có thể có vấn đề về bảo mật. Đến nay, khi có chỉ đạo tạm dừng kỳ thi, rất có thể các cơ quan chức năng đã có thông tin gì đó về việc này. Nếu quả thật có gian lận, lộ đề, mua bán đề… thì việc tạm dừng để kiểm tra, chấn chỉnh là cần thiết để bảo đảm công bằng cho thí sinh" - bà Phương Anh nhận định.
Một số nơi đang sử dụng điểm IELTS làm căn cứ miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tốt nghiệp đại học, miễn thi đầu vào cao học, điều kiện tuyển dụng... Do đó, nếu IELTS bị nghi ngờ có vấn đề về bảo mật và bị tạm ngưng, những nơi đang sử dụng chứng chỉ này phải đưa ra kỳ thi tương đương nếu muốn, hoặc bỏ hẳn yêu cầu này.
"Tất nhiên các em học sinh sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng điều này không quá quan trọng. Quan trọng hơn là nghi vấn về vấn đề bảo mật phải được làm rõ, vì nếu không thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục của Việt Nam, chưa kể thiệt hại nặng nề cho 'thương hiệu sản phẩm’ IELTS" - bà nhấn mạnh.
Đối với các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ GD-ĐT, cần có hướng dẫn cũng như cơ sở pháp lý để các tổ chức hoạt động hiệu quả trong việc tổ chức thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ.
"Về mặt quy định hẳn là không thiếu và cũng khá chặt chẽ - ít ra là trên giấy. Điều quan trọng là thiếu giám sát trong quá trình thực hiện, và đây chính là điểm yếu trong cách quản lý của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục".
Không nên trao toàn bộ trách nhiệm cho Hội đồng Anh và IDP
Một kỳ thi phải qua rất nhiều khâu. Trước hết là quy trình xây dựng đề sao cho đạt yêu cầu về tính giá trị và độ tin cậy. Đối với IELTS, quy trình đầu tiên này do Cambridge Assessment chịu trách nhiệm. “Theo tôi, họ vẫn đang làm tốt, và đó cũng là lý do IELTS được tín nhiệm cao trên thế giới”- bà Phương Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà, một bài thi sau khi được xây dựng thì mọi việc phụ thuộc vào nơi tổ chức thi. Đây chính là lỗ hổng của kỳ thi này. Ví dụ, việc cho phép các đơn vị liên kết tổ chức kỳ thi được thực hiện theo những tiêu chuẩn nào; quá trình bảo mật đề thi từ lúc nhận từ Cambridge Assessment đến lúc tổ chức thi có chặt chẽ hay không; và quan trọng hơn hết là các nhân sự có đảm bảo sự liêm chính hay không.
"Một hệ thống dù chặt chẽ đến đâu mà không xây dựng được văn hóa liêm chính thì trước sau gì cũng sẽ có những lùm xùm" - bà Phương Anh khẳng định.
"Trách nhiệm để không xảy ra những vụ lùm xùm như thế này nằm ở tất cả các bên. Trước hết, Cambridge Assessment không nên trao toàn bộ trách nhiệm cho các đối tác tổ chức thi IELTS là Hội đồng Anh và IDP, mà phải có những đợt kiểm tra, thẩm định định kỳ.
Kế đến, IDP và Hội đồng Anh cũng phải thường xuyên rà soát, tự đánh giá hoạt động để phát hiện bất thường và điều chỉnh quy trình, quy định sao cho ngày càng chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT có vai trò rất lớn trong việc thường xuyên hậu kiểm các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi của nước ngoài, để bảo vệ 'người tiêu dùng giáo dục' của Việt Nam.
Và cuối cùng, toàn xã hội, trong đó có báo chí và công luận cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách lên tiếng khi thấy có những bất thường".