Tương lai ảm đạm của ngành chip toàn cầu
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 09:44, 11/11/2022
Lợi nhuận từ hoạt động của các gã khổng lồ ngành chip Hàn Quốc sụt giảm trong quý III do nhu cầu chất bán dẫn thấp. Ảnh: Getty Images. |
Đây là năm đầu tiên ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu chứng kiến tình trạng sản lượng sụt giảm kể từ năm 2020. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc. Quốc gia này vốn phụ thuộc vào thị trường chất bán dẫn và đang phải vật lộn với nhu cầu giảm sút, Bloomberg nhận định.
Cụ thể, theo số liệu của Semiconductor Industry Association, doanh số thiết bị bán dẫn toàn cầu trong tháng 9 đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, tổng sản phẩm của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc cũng giảm 3,5% so với năm trước đó và sụt 0.1% so với tháng 8, theo một số liệu nội bộ khác.
Ngoài ra, dữ liệu từ Statistics Korea cũng cho thấy lượng hàng tồn kho đang có xu hướng tăng cao, đạt 54,7% vào tháng 9. Lượng thiết bị bán dẫn sản xuất tại các nhà máy cũng bị chững lại, thậm chí còn giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9, vốn là thước đo phản ánh sản lượng thực tế, đã tăng 0,8% so với năm trước đó nhưng vẫn không đạt kỳ vọng 1% của các nhà phân tích. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho rằng sự sụt giảm trong xuất khẩu chất bán dẫn là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Sản lượng ngành chip Hàn Quốc sụt giảm mạnh vì nhu cầu chất bán dẫn không còn cao như trước đây. Ảnh: Statistics Korea. |
Gần đây, nhu cầu chất bán dẫn toàn cầu đang trải qua vòng chu kỳ bùng nổ và suy thoái, khiến các nhà làm luật ở Hàn Quốc lo ngại. Quốc gia này đang cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng của nền kinh tế bấp bênh. Nhưng sự kiện đám đông đêm Halloween ở Itaewon gần đây đã gây áp lực không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng trong giai đoạn này, Bloomberg nhận định.
Bên cạnh đó, các quy định phòng chống dịch Covid-19, chiến sự Nga - Ukraine và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng làm lợi nhuận của các hãng sản xuất chip Hàn Quốc lao đao. Đơn cử như Samsung, lợi nhuận của tập đoàn đã gây thất vọng khi không đạt được dự đoán của các nhà phân tích.
Lợi nhuận hoạt động chỉ đạt 7,7 tỷ USD, giảm khoảng 31% so với con số đạt được cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng quý III chỉ đạt 6,7 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái và lao dốc 15,4% so với quý II. Trong buổi báo cáo tài chính gần nhất, Samsung nói rằng nhu cầu ngành bán dẫn sẽ không thể phục hồi cho đến nửa sau năm 2023.
Ông lớn Samsung cũng không nằm ngoài tình hình bất ổn của ngành chip toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, một báo cáo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) chỉ ra các chuyên gia trong ngành đều cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đang gặp khủng hoảng.
Cụ thể, có đến 76,7% số người được khảo sát nói rằng ngành sản xuất chip đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Trong khi đó, 58,6% lại dự đoán rằng triển vọng của ngành vẫn sẽ bi quan sau năm 2024.
Trong báo cáo doanh thu quý III/2022, SK Hynix cũng chứng kiến doanh thu sụt giảm 20% và cho biết hoạt động kinh doanh chip nhớ “đang đối mặt với tình trạng thị trường xấu đi chưa từng có”.