Nâng chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam có giúp doanh nghiệp bớt lỗ?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:30, 10/11/2022

Bộ Tài chính đã gửi công văn đến Bộ Công Thương về việc điều chỉnh tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, xem xét áp dụng từ ngày 11.11. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đầu mối cho rằng, mức nâng này thấp, không giúp doanh nghiệp bớt lỗ, nguồn cung xăng dầu có thể vẫn thiếu hụt cục bộ.
Nâng chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam có giúp doanh nghiệp bớt lỗ?
Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh nghiệp lỗ nặng, việc nâng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam vẫn còn thấp

Theo phương án của Bộ Tài chính, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu theo công văn số 11575 ngày 8.11.2022 của Bộ Tài chính để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) bao gồm: Xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95 là 1.280 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S là 730 đồng/lít; dầu hỏa là 1.740 đồng/lít; dầu madut 180cst 3,5S là 1.290 đồng/kg.

Chi phí này theo một số doanh nghiệp là quá thấp, chỉ tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít. Trên thực tế, có doanh nghiệp đã tự thống kê chi phí tăng tới 67% đến 466%/lít xăng dầu, tức là gấp gần 6-10 lần so với mức Bộ Tài chính đề xuất.

Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng từng mặt hàng, mức tăng cao nhất đối với xăng nền RON92, lên 83%
Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng từng mặt hàng, mức tăng cao nhất đối với xăng nền RON92, lên 83%.

Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, doanh nghiệp đã chịu lỗ rất nặng từ đầu năm đến nay do chi phí kinh doanh xăng dầu không được cập nhật tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Theo tính toán thực tế của doanh nghiệp này (nhập khẩu xăng dầu về từ Hàn Quốc), chi phí nhập khẩu gồm 3 loại phụ phí (pre), cước vận chuyển, bảo hiểm, các mức phụ phí này từ đầu năm 2022 đến nay đều tăng rất cao.

Nếu so sánh chi phí quý I so với quý II.2022, mặt hàng xăng không phát sinh tăng, nhưng mặt hàng dầu cước vận chuyển tăng 56%, phụ phí giảm 3%, chi phí bình quân tăng 35%.

So sánh quý I với quý III, mặt hàng xăng không phát sinh tăng, nhưng mặt hàng dầu phụ phí tăng 90%, cước vận chuyển tăng tới 442%, bảo hiểm tăng 40%, tính chi phí chung tăng 315%.

Đặc biệt, so sánh quý I với quý IV, cả xăng và dầu đều tạm tính tăng rất cao. Trong đó, xăng có phụ phí 2.348 đồng/lít, cước vận chuyển 1.365 đồng/lít, bảo hiểm 4 đồng/lít, tính chi phí chung là 3.717 đồng/lít, tăng 67%. Mặt hàng dầu phụ phí là 776 đồng/lít, cước vận chuyển là 1.365 đồng/lít, bảo hiểm 4 đồng/lít, tính chi phí chung là 2.145 đồng/lít, tăng tới 466%.

Như vậy, chi phí thực tế cao hơn rất nhiều so với tính toán của Bộ Tài chính dự kiến đưa ra.

Với chi phí nêu trên, doanh nghiệp này tính toán, quý I, tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 381 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lãi khoảng 189 đồng/lít dầu.

Đối với mặt hàng xăng, tính chung, chi phí là 2.282 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được cơ quan quản lý tính là là 720 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 1.562 đồng/lít xăng.

Đối với dầu FO, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là 1.290 đồng/kg, doanh nghiệp lỗ 85 đồng/kg dầu.

Sang quý II, với mặt hàng dầu tính chung, chi phí là 513 đồng/lít. Trong khi chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lãi khoảng 57 đồng/lít dầu.

Đối với mặt hàng xăng A95, chi phí như trên, doanh nghiệp tiếp tục lỗ 1.562 đồng/lít xăng.

Đối với dầu FO, tính chung, chi phí là 3.121 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là 1.290 đồng/kg, doanh nghiệp lỗ 1.831 đồng/kg dầu.

Sang đến quý III, tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 1.578 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 1.008 đồng/lít dầu.

Mặt hàng xăng có chi phí như quý II, doanh nghiệp lỗ 1.562 đồng/lít. Mặt hàng dầu FO cũng tương tự, doanh nghiệp lỗ 1.828 đồng/kg.

Sang quý IV, dự kiến tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 2.147 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 1.577 đồng/lít dầu.

Đối với mặt hàng xăng, tính chung, chi phí là 3.719 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là 720 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 2.999 đồng/lít xăng.

Đối với dầu FO, chi phí không phát sinh thêm, doanh nghiệp tiếp tục lỗ 1.828 đồng/kg.

Như vậy, chi phí premium thực tế cao hơn so với mức Bộ Tài chính xác định. Vì vậy, một số doanh nghiệp có đề nghị tính lại mức chi phí với mức tăng từ 560 đồng/lít đến 1.360 đồng/lít xăng dầu, thay cho mức 60 đồng đến 660 đồng mà Bộ Tài chính đề xuất.

Theo doanh nghiệp, mức chi phí cần tăng từ 560 đồng/lít đến 1360 đồng/lít xăng dầu.
Theo doanh nghiệp, mức chi phí cần tăng từ 560 đồng/lít đến 1360 đồng/lít xăng dầu.

"Với mức chi phí dự kiến như Bộ Tài chính đưa ra cho kỳ điều chỉnh giá ngày 11.11, doanh nghiệp tiếp tục lỗ nặng", vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Chi phí premium trong nước cũng tăng rất cao

Cũng theo phản ánh của một doanh nghiệp về kinh doanh xăng dầu, về chi phí premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng từ đầu năm đến nay đều tăng cao. Vì vậy, nhận định "không phát sinh đột biến" là chưa đúng so với thực tế.

Cùng với đó, việc viện dẫn đã điều chỉnh tăng từ 7.10.2022, sẽ tiếp tục đánh giá, điều chỉnh theo định kỳ vào cuối năm 2022, áp dụng từ 10.1.2023 là quá cứng nhắc, chậm trễ so với sự phức tạp, khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nêu rõ, đối với chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu), tập đoàn xăng dầu chiếm gần 50% thị phần cho hay đang có chênh lệch lớn giữa định mức được điều chỉnh ngày 7.11 so với thực tế.

Đơn cử với các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 300 - 680 đồng/lít, cao hơn khá nhiều so với con số Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh trong văn bản ngày 8.11.

Lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho biết thêm: "Với việc Ngân hàng Nhà nước gửi công văn sang các ngân hàng thương mại khác nêu chung chung là đề nghị xem xét cấp tín dụng khi khách hàng đáp ứng các điều kiện của pháp luật mà room tín dụng thì không cho nới, tức là vẫn siết chặt thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì, khó khăn vẫn như cũ".