Xử vụ 200 triệu lít xăng giả: Giám đốc chỉ đạo nhân viên làm giả hóa đơn

Pháp luật - Ngày đăng : 18:40, 09/11/2022

Bị cáo Lê Thanh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP (TP.HCM) chỉ đạo nhân viên của mình in hóa đơn điện tử rồi cắt dán chỉnh sửa cho giống thật.

Ngày 9/11, ngày thứ 12 của phiên tòa xét xử vụ án 200 triệu lít xăng giả, HĐXX xét hỏi các bị cáo: Trần Huy Lập (62 tuổi, ngụ TP.HCM), Lê Thanh Trung (39 tuổi, ngụ TP Cần Thơ), Trần Thị Cẩm Vân (35 tuổi, ngụ TP Cần Thơ - nhân viên của Lê Thanh Trung).

Bị cáo Lập là Giám đốc Công ty CP nhiên liệu Phúc Lâm, TP.HCM - chuyên kinh doanh về nhiên liệu rắn, lỏng, khí.

Đầu năm 2020, Lập gặp bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, ngụ TP Cần Thơ, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP, TP.HCM), nhờ hướng dẫn thủ tục cho Công ty Phúc Lâm được cấp phép kinh doanh xăng dầu.

Xử vụ 200 triệu lít xăng giả: Giám đốc chỉ đạo nhân viên làm giả hóa đơn - 1

Bị cáo Trần Thị Cẩm Vân. (Ảnh: Tố Tâm)

Quá trình thuê kho, Trung giới thiệu nguồn xăng nhập lậu cho bị cáo Lập và Lập đã mua xăng lậu để bán lẻ cho các cửa hàng xăng dầu khác. Tính từ tháng 7/2020 - 2/2021, bị cáo Lập với sự giúp sức của 2 bị cáo khác đã mua của Trung hơn 6,6 triệu lít xăng, thu lợi bất chính hơn 2,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong thương vụ này, bị cáo Trần Thị Cẩm Vân đã được giao nhiệm vụ làm giả hồ sơ mua bán xăng nhập lậu. Bị cáo Vân đã làm bộ hồ sơ tàu và xuất hóa đơn theo yêu cầu của Nguyễn Hữu Tứ, gồm: Hóa đơn GTGT (hóa đơn điện tử), phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng, biên bản niêm phong hàng hóa để vận chuyển xăng lậu từ nhà yến của Tứ ở tỉnh Vĩnh Long về kho Nam Phong ở tỉnh Long An, các thông tin ghi trên hóa đơn do Tứ cung cấp.

Vân khai đã in hóa đơn điện tử rồi tiến hành các thao tác cắt dán, tẩy xóa, photo để làm giả hóa đơn nhưng không có mã tra cứu. Với thủ đoạn trên Vân đã làm giả 89 tờ hóa đơn.

Theo bị cáo Vân, việc xuất hóa đơn này chỉ là xuất hóa đơn nội bộ của Công ty từ Vĩnh Long về Long An. Việc Vân in hóa đơn điện tử rồi cắt dán chỉnh sửa là do bị cáo Trung chỉ đạo.

Trước tòa, bị cáo Lập thừa nhận hành vi của mình như cáo trạng nêu. Lập cũng cho biết do không suy nghĩ thấu đáo nên đã để món lợi trước mắt che lý trí.

"Bị cáo đã nộp 6 tỷ đồng, nếu trong trường hợp bị cáo nộp dư thì xin HĐXX trả lại cho bị cáo", Lập nói.

Theo cáo trạng, từ năm 2019, Phan Thanh Hữu cùng Đào Ngọc Viễn và 3 người khác góp tổng cộng 53,4 tỷ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về Việt Nam bán, ăn chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại hưởng 60%.

Về nhiệm vụ, Hữu trực tiếp đứng ra giao dịch, còn Viễn điều tàu sang chở hàng về Việt Nam và neo đậu ở phao số 0. Lúc này, Hữu cho tàu của mình ra lấy hàng rồi chở qua kho chứa nổi đặt ở sông Hậu (thuộc tỉnh Vĩnh Long).

Xăng nhập lậu từ Singapore có màu trắng, trong khi xăng tại thị trường Việt Nam lại màu vàng. Để không bị phát hiện, Hữu mua phụ gia về pha chế cho ra màu vàng. Công thức là 1kg bột màu vàng hòa với 5 lít dung môi rồi đổ vào 100m3 xăng, sau đó mang đi tiêu thụ tại hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Đêm 6/2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ Công an huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ triệt phá đường dây buôn lậu này.

Cũng theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 - tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, nhóm này tiêu thụ hơn 196 triệu lít xăng, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.

Trong quá trình buôn lậu, Hữu cử Tứ tiếp cận Ngô Văn Thụy, là đội trưởng thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để hối lộ, nhờ Thụy giúp đỡ.

Tứ đã đưa cho Thụy phong bì chứa 10.000 USD và 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng. Sau đó, Hữu trực tiếp gặp Thụy và đưa thêm 500 triệu đồng.

Ngoài việc hối lộ Ngô Văn Thụy, Hữu và Tứ còn có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang Cơ quan điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Hoàng Thọ