Có gì bên trong "biểu tượng văn hóa" của người Cơ Tu ở Đà Nẵng Dòng chảy - Ngày đăng : 12:53, 09/11/2022
Nhà Gươl của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, trưng bày các sản phẩm của người địa phương. Nhà được xem là trái tim của làng.
Đời sống đồng bào dân tộc Cơ Tu gắn liền với mái nhà Gươl. Đối với người Cơ Tu, không gian nhà Gươl với kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là bộ mặt của làng (Ảnh: Hoài Sơn).
"Gươl" trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là cộng đồng. Được xem như là trái tim của làng, vậy nên các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều phải có nhà Gươl. Trong hình là nhà Gươl tại thôn Giàn Bí (Ảnh: Hoài Sơn).
Nhà Gươl được thiết kế theo kiểu nhà sàn, trụ bởi một cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh (Ảnh: Hoài Sơn).
Your browser does not support the video tag. Nhà Gươl của người Cơ Tu ở Đà Nẵng (Video: Hoài Sơn).
Mái nhà được lợp bằng lá tự nhiên, sàn nhà lát bằng tre cật chẻ mỏng, giữa các thanh tre có một độ hở nhất định để tạo nên sự thông thoáng cho Gươl (Ảnh: Hoài Sơn).
Trên mái nhà, phía hai đầu thường có những bức tượng đơn giản như gà trống, chim tring hay tổ hợp gắn kết nhiều tượng với nhau như tượng người, tượng đầu trâu (Ảnh: Hoài Sơn).
Dưới mái nhà Gươl, những hình ảnh chạm khắc tỉ mỉ hiện lên như những tác phẩm nghệ thuật sinh động (Ảnh: Hoài Sơn).
Mỗi tác phẩm tái hiện đời sống lao động, văn hóa của một dân tộc giàu bản sắc giữa núi rừng (Ảnh: Hoài Sơn).
Đặc biệt, cây cột cái nhà Gươl (gọi là Drưng măng) được xem là linh hồn của Gươl. Đây cũng là tâm điểm trang trí các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu hay hoa văn trang trí in đậm bản sắc người Cơ Tu (Ảnh: Hoài Sơn).
Cột chính thường được làm bằng cây gỗ lớn, tuy nhiên nhà gươl "kiểu mới" được dựng bằng cột bê tông và sơn giả gỗ (Ảnh: Hoài Sơn).
Trên những tấm lan can, vách ngăn quanh nhà Gươl là nơi nghệ nhân dân gian sáng tác các tác phẩm mỹ thuật, miêu tả hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống xã hội (Ảnh: Hoài Sơn).
Ngoài những bức phù điêu, tranh vẽ trong nhà Gươl, các nghệ nhân dân gian còn sáng tạo những bức tượng gỗ với nhiều chủ đề khác nhau (Ảnh: Hoài Sơn)
Tượng gỗ có thể đặt ở chính diện nhà, hai bên cửa ra vào hay đặt ở phía trên xà ngang, xà dọc của nhà Gươl (Ảnh: Hoài Sơn).
Cây nêu (x'nur) của người Cơ Tu cũng là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân. Cây được đặt tại nơi hành lễ, trước sân nhà làng (Ảnh: Hoài Sơn).
Giương là bộ phận quan trọng nhất của cây nêu, là hai tấm gỗ dẹt, được gắn đối xứng qua phần giữa thân cột. Trên cột thường tạc tượng đôi chim tring, gà trống tạo nên yếu tố thẩm mỹ và làm cho cột có sự cân đối (Ảnh: Hoài Sơn).
Tại nhà Gươl thôn Giàn Bí, các bức tường đã được dựng lên và bên trên được khắc họa những hình ảnh đời sống, sinh hoạt của người Cơ Tu (Ảnh: Hoài Sơn).
Nghệ thuật tạo hình, các phong tục, tập quán lâu đời tại nhà Gươl đang là kho báu của các bản làng người Cơ Tu. Chúng đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu (Ảnh: Hoài Sơn).
Hoài Sơn