Tổng thống Ukraine: cương quyết không nhường một tấc đất nào cho Nga
Tin thế giới - Ngày đăng : 14:30, 09/11/2022
Tâm điểm của cuộc xung đột ở khu vực công nghiệp Donetsk là xung quanh các thị trấn Bakhmut, Soledar và Avdiivka, nơi diễn ra các cuộc giao tranh gay gắt nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào tháng 2.
Theo Reuters, trong video phát sóng tối 8-11, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết: "Hoạt động của những người chiếm đóng vẫn ở mức cực kỳ cao, với hàng chục cuộc tấn công mỗi ngày".
"Họ (Nga) đang chịu tổn thất nặng nề. Nhưng trật tự vẫn được giữ nguyên để tấn công vào ranh giới hành chính của vùng Donetsk. Chúng tôi sẽ không nhường một xăng-ti-mét nào trên lãnh thổ của mình" - ông Zelensky nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Zelensky trong video phát sóng tối 8-11. Ảnh: RT
Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời một thị trưởng ở thị trấn Snihurivka phía đông thành phố Mykolaiv - Nga hôm 8-11 rằng người dân đã nhìn thấy xe tăng và cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra.
Ông Kirill Stremousov, lãnh đạo Kherson do Nga hậu thuẫn, cho biết các lực lượng Ukraine đã cố gắng tiến công trên ba mặt trận, bao gồm cả Snihurivka. Trong khi đó, ông Vitaly Kim, thống đốc Ukraine khu vực Mykolaiv, khẳng định các lực lượng Ukraine đã đánh đuổi Nga khỏi khu vực này.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào về tình hình trong thị trấn từ các quan chức quân sự Ukraine hoặc Nga.
Trong khi đó, đài RT đưa tin Tổng thống Ukraine Zelensky đã đặt ra các điều kiện cho các cuộc đàm phán với Moscow. Tuyên bố này cho thấy Ukraine đã sẵn sàng chấm dứt các hành động thù địch.
Ông Zelensky hôm 7-11 đã kêu gọi các cường quốc trên thế giới "buộc Nga phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình thực sự" và đưa ra các điều kiện của riêng mình để nối lại các cuộc đàm phán.
"Điều kiện để đàm phán là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bồi thường thiệt hại do chiến tranh, trừng phạt mọi tội phạm chiến tranh và đảm bảo rằng điều này sẽ không tái diễn" - ông Zelensky nhắc lại yêu cầu của Ukraine.
Truyền thông Mỹ trước đó tuyên bố các quan chức hàng đầu của Ukraine đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình. Tờ Washington Post trích dẫn các nguồn tin cho biết mục tiêu của Mỹ không phải thúc đẩy Ukraine đàm phán chấm dứt chiến sự mà là để giảm bớt lo ngại về một cuộc xung đột kéo dài.
Ông Zelensky nhiều lần tuyên bố mục tiêu duy nhất của ông trong cuộc xung đột là đánh bại Nga trên chiến trường và giành lại quyền kiểm soát tất cả các vùng lãnh thổ mà Kiev cho là thuộc chủ quyền của mình.
Vào tháng 10, ông Zelensky đã ký sắc lệnh cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tuyên bố Kiev sẽ chỉ nói chuyện với Moscow khi nước này có một nhà lãnh đạo khác.
Ngược lại, Nga đã nhiều lần nói rằng họ đang mở cửa cho các cuộc đàm phán, kể từ khi các cuộc đàm phán với Kiev thất bại vào tháng 3 tại Istanbul. Moscow cáo buộc Kiev đang làm suy yếu khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây cho biết Moscow không nhận thấy bất kỳ cơ hội đàm phán nào vì Kiev đã "biến việc không tiếp tục bất kỳ cuộc đàm phán nào với phía Nga thành luật".
Trước đó, ông Peskov nói rằng các cuộc đàm phán về cuộc xung đột Ukraine nên được tiến hành chủ yếu với Mỹ, vì bất kỳ thỏa thuận nào với Kiev "dựa trên những gì đã xảy ra vào tháng 3 là "vô giá trị" và có thể bị hủy bỏ ngay lập tức.
Các binh sĩ Ukraine bắn khẩu lựu pháo tự hành Ba Lan Krab về phía các vị trí của Nga ở Donetsk, Ukraine vào ngày 8-11-2022. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Tass, Mỹ và NATO cho rằng việc tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine sẽ có thể thực hiện được nếu Kiev giành lại Kherson bằng trận chiến có ý nghĩa cả về chiến lược và ngoại giao.
Tờ La Repubblica (Ý) hôm 7-11 thông tin Washington thường xuyên liên lạc với Brussels và các đồng minh về vấn đề này.
Tờ báo lưu ý rằng không phải ngẫu nhiên mà Washington và NATO xác nhận đã gửi tên lửa chống máy bay không người lái tới Kiev. Kherson là mục tiêu chiến lược, có thể thay đổi tiến trình của cuộc xung đột và các cuộc đàm phán có thể tổ chức tại đây. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng cho phép một kịch bản cụ thể như vậy.
Mỹ thừa nhận đã duy trì liên lạc trực tiếp với Moscow trong nhiều tháng để tránh xung đột và nguy cơ leo thang hạt nhân.