Ôm hàng giá cao, doanh nghiệp xăng dầu thêm lỗ vì chứng khoán, bất động sản
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 21:15, 08/11/2022
Phát biểu tại Quốc hội hồi mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơn lốc chứng khoán, bất động sản thời gian vừa qua có tác động nhất định đến nguồn cung xăng dầu.
Theo Bộ trưởng Diên, doanh nghiệp làm xăng dầu đều ít nhiều tham gia đầu tư bất động sản, chứng khoán, nên nguồn tiền bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, trong bối cảnh giá nhập cao, bán thấp thì không có nguồn tiền nhập.
Đầu tư bất động sản và chứng khoán không phải là hoạt động chính của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp xăng dầu. Tuy nhiên, một số tổ chức thường có hoạt động đầu tài chính để tối ưu hóa đồng vốn.
Rất nhiều doanh nghiệp trên sàn có hoạt động đầu tư tài chính, một số thậm chí còn chuyển đổi hẳn từ hoạt động sản xuất kinh doanh sang cốt lõi là đầu tư tài chính như REE, Hapaco, SAM,...
Tuy nhiên, không phải tất cả đều gặp thuận lợi. Khi thị trường đi xuống, thua lỗ là rất lớn.
Gần đây, trên sàn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ vì đầu tư chứng khoán như: Hóa An, Xây dựng Coteccons, Nhà Đà Nẵng, Đất Xanh,... thậm chí cả những tổ chức chuyên nghiệp như Quản lý tài sản Trí Việt (TVC), Chứng khoán Trí Việt (TVB), VDSC, Ngân hàng OCB,... cũng thua lỗ nặng.
Trong quý III/2022, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) báo lỗ vì mảng kinh doanh xăng dầu.
Nhưng một số mảng khác, theo báo cáo tài chính, Petrolimex cũng không thuận lợi. Tính tới cuối quý III/2022, Petrolimex ghi nhận khoản đầu tư cổ phiếu trị giá gốc gần 7 tỷ đồng và trích lập dự phòng 1,29 tỷ đồng. Petrolimex phải trích lập hơn 108 tỷ đồng cho các khoản đầu tư góp vốn gần 5.000 tỷ đồng vào đơn vị khác và trích lập hơn 660 tỷ đồng cho các khoản đầu tư gần 3.500 tỷ đồng vào các công ty liên doanh liên kết.
Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil (OIL) trong quý III/2022 lỗ hơn 373 tỷ đồng, với giải thích chủ yếu do giá dầu thế giới đảo chiều giảm liên tục từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9/2022,... Nhà nước cũng liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý III.
Theo báo cáo tài chính, PVOil có khoản mục bất động sản đầu tư, theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam cần phải trình bày giá trị hợp lý vào 30/9/2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết chưa xác định được giá trị hợp lý nên chưa trình bày trong báo cáo. Hiện, PVOil chưa tìm được công ty tư vấn phù hợp để thực hiện công việc này.
Cũng theo báo cáo, sở dĩ PVOil thua lỗ trong quý III vì giá vốn bán hàng cao, lợi nhuận gộp thấp, trong khi lỗ hơn 13,2 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh.
Tính tới cuối quý III/2022, tồn kho của PVOil tăng mạnh từ mức hơn 2.579 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 3.604 tỷ đồng dù đây cũng là thời điểm trên thị trường xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng tại nhiều cửa hàng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tính tới cuối quý III/2022, PVOil phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho trị giá gần 150,4 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức gần 16,6 tỷ đồng hồi cuối quý II/2022.
Từ báo cáo các quý I, II, III/2022 có thể thấy, PVOil đã nhập một khối lượng lớn xăng về khi giá dầu trên thế giới ở mức rất cao trong quý I và một phần trong quý II/2022. Đây đúng là thời kỳ giá xăng dầu trên thế giới ở mức cao kỷ lục trong cả thập kỷ qua.
Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (TLP) cũng lỗ gần 169 tỷ đồng trong quý III/2022 do nhiều yếu tố, trong đó chi phí tài chính tăng mạnh, gấp 7,4 lần so với cùng kỳ.