Bệnh viện Bạch Mai dừng tự chủ toàn diện, nếu không phải đóng cửa?

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:16, 08/11/2022

Bệnh viện Bạch Mai đề xuất thực hiện phương án tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên giao đoạn 2022 - 2026 - đơn vị nhóm 2 theo Nghị định 60/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ.

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K dừng tự chủ toàn diện

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản về việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33. Trước đó, sau thời gian thí điểm cả 2 bệnh viện triển khai thực hiện đều xin dừng tự chủ toàn diện do nhiều nguyên nhân.

Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, xét đề nghị của Bộ Y tế tại báo cáo số 1388 ngày 14.10.2022 về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Để có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33.

Trong đó, báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy, làm rõ bài học kinh nghiệm, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh, nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập.

Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên, khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25.11.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Bệnh nhân đến bệnh viện gặp thầy, gặp thuốc mà nay không có thuốc điều trị“. Ảnh: Lệ Hà
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Bệnh nhân đến bệnh viện gặp thầy, gặp thuốc mà nay không có thuốc điều trị“. Ảnh: Lệ Hà

Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: Nhóm một tự chủ toàn diện; nhóm hai tự chủ chi thường xuyên; nhóm ba tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm bốn nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Bệnh viện khó khăn đủ đường

Ngày 8.11, trao đổi với báo chí Giám đốc Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết: Nghị định 60 rất linh hoạt, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện theo nhóm nào. Sau khi nghiên cứu Bệnh viện Bạch Mai đã có tờ trình phê duyệt phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2022 - 2026. Theo đó, bệnh viện kiến nghị và đề xuất Bộ Y tế trình Chính phủ dừng thí điểm tự chủ theo nghị định số 33/NQ-CP, cho phép Bệnh viện Bạch Mai thực hiện phương án tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên giao đoạn 2022 - 2026 - đơn vị nhóm 2 theo Nghị định 60/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ.

Máy chụp “đắp chiếu” thời gian dài. Ảnh: Lệ Hà
Máy chụp “đắp chiếu” thời gian dài. Ảnh: Lệ Hà

"Tự chủ theo nhóm 2, bệnh viện chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mau sắm các thiết bị, điều mà Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít", PGS.TS Cơ cho biết.

Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ: "Sau này điều kiện, cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng thì sẽ nghĩ đến tự chủ toàn diện, phải có lộ trình. Thời gian qua Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, đang chờ đợi Luật Khám chữa bệnh mới để các bệnh viện hoạt động bám sát luật pháp. Có như vậy hệ thống y tế mới vững chắc, phát triển".

PGS.TS Đào Xuân Cơ đưa ra những lý do để Bệnh viện Bạch Mai xin tự chủ tài chính theo nhóm 2.

Theo đó, hơn 10 năm qua, thực hiện dự án liên doanh liên kết, Bệnh viện Bạch Mai không thiếu thốn tài chính. Giá thu bảo hiểm y tế, còn thu thêm thiết bị liên doanh liên kết, tạo nguồn chênh lệch thu chi, có nguồn tài chính tốt, đảm bảo chi thường xuyên, đời sống cán bộ nhân viên ổn định, an tâm công tác. Hiện nay, khi không thực hiện dự án liên doanh liên kết, bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, khi cơ quan tư pháp vào kiểm tra, thấy các dự án liên doanh liên kết vướng pháp lý, không chặt chẽ, có những đề án vi phạm pháp luật. 11 trong số 27 dự án được thanh tra Chính phủ kiểm tra có vi phạm. Một loạt dự án liên doanh liên kết không tiếp tục được nữa, cơ sở pháp lý không có, hoạt động không phù hợp. Do vậy, bệnh viện dừng nhiều đề án liên doanh liên kết, chỉ còn một vài đề án thực hiện trong những tháng cuối cùng của hợp đồng. Trước đây, bệnh viện có máy chụp 256 dãy thì nay không còn hoạt động; Hệ thống nội soi không thực hiện đủ nhu cầu; Phẫu thuật nội soi, thần kinh, robot, rosa đều dừng hoạt động do liên quan đến vật tư tiêu hao không có, đắp chiếu để đấy...

Năm 2022, bệnh nhân vào các chuyên khoa nội và ngoại tăng, tuy nhiên chênh lệch thu chi (anh em sống nhờ chênh lệch thu chi, muốn có nguồn mua sắm, xây dựng đầu tư, chi trả cho cán bộ… thì phải chênh lệch thu chi) rất thấp, trong khi nguồn quỹ dành cho chi thường xuyên không tăng nên mặc dù bệnh nhân đông.

Cán bộ đi làm đêm hôm, sáng sớm nhưng không có nguồn chi trả, đời sống thấp, bằng 1/3 đến 1/2, thậm chí có khoa bằng 1/5 nên cán bộ đã nghỉ việc. “Anh bắt em đi làm sáng sớm đến khuya mới về mà bây giờ em không  có tiền để nộp học ngoại ngữ cho con. Em xin đi làm đúng giờ để có thời gian dạy con học. Trước đi làm nhiều giờ thì có tiền thuê cô giáo dạy, đóng học phí cho con. Nay không có. Hai vợ chồng làm điều dưỡng thì rất khó”; một nhân viên y tế chia sẻ với Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Cán bộ y tế cả bác sĩ, y tá, thậm chí kế toán giỏi cũng xin đi. Trong năm 2022 đã có hơn 100 cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc.

Bạch Mai còn một ít thiết bị, hiện tích cực mua sắm nhưng nguồn tài chính không cho phép, cần hàng nghìn tỉ đồng song không có tiền để mua. 95% máy xét nghiệm trong bệnh viện là máy đặt, máy mượn, sau khi trúng thầu hóa chất. Thời gian qua BHXH không cho phép dùng máy đặt máy mượn, gây khó khăn cho bệnh viện trong chẩn đoán điều trị bệnh nhân. Nay nghị quyết mới của Chính phủ vừa ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này trong một năm.

"Bệnh viện đang nghiên cứu, hết một năm nay, tính đến mua sắm tiếp hoặc cần cơ chế thuê khoán, nhưng cần phải có văn bản hướng dẫn không thì các bệnh viện lâm vào cảnh tắc. Nếu không có cơ chế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bạch Mai sẽ là hai bệnh viện đầu tiên đóng cửa", ông Cơ cho biết.

Lệ Hà