Đại tướng Tô Lâm: Tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến rất phức tạp
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:37, 08/11/2022
Sáng 8/11, trình bày báo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; góp phần giữ vững an ninh trật tự, phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Trong đó, tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ...
"Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao", ông Tô Lâm thông tin.
Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh...
Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%.
Tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực. Nổi lên là các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; xả nước thải, khí thải, vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề; khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên, khoáng sản.
Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn. Nổi lên là: Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet; tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...; mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.
Lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội.
Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm còn hạn chế. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam vẫn còn xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông tăng, cháy nổ còn nhiều. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực.
Nguyên nhân, theo ông, hệ lụy của đại dịch Covid-19 đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu một số nơi chưa phát huy tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Trong khi đó, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tăng cường tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, cơ chế bảo vệ lực lượng Công an nhân dân.
"Có lộ trình tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng Công an nhân dân góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay"- Đại tướng Tô Lâm nêu kiến nghị.