Phim sinh tồn - một thử thách quá tầm với của điện ảnh Việt

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 11:00, 08/11/2022

Liên tiếp những bộ phim sinh tồn ra rạp trong thời gian qua nhưng vẫn chưa có phim nào để lại ấn tượng với khán giả. Đa phần người xem bỏ tiền ra rạp vì tò mò với cái mác “phim zombie đầu tiên”, “phim sinh tồn đầu tiên” của Việt Nam, nhưng tựu chung, nội dung các phim hời hợt, khiến doanh thu rời rạc, thất bát.
Phim sinh tồn - một thử thách quá tầm với của điện ảnh Việt
Phim Rừng thế mạng. Ảnh: NSX

Chuyện cũ mà mới

Đề tài sinh tồn được xem là câu chuyện cũ mà mới của điện ảnh Việt. Cũ là dòng phim này đã phát triển mạnh mẽ ở thị trường phim quốc tế. Một số nước như Mỹ, Hàn Quốc... đã tạo dấu ấn riêng khi khai thác triệt để dòng phim này. Nhưng ở Việt Nam, đây được xem là chủ đề khá mới mẻ với các nhà làm phim. Bởi từ trước đến nay, điện ảnh Việt đa phần tập trung xoay quanh ở những bộ phim hướng về tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi là chủ yếu. Vậy nên, khi các dự án công bố gắn mác “phim sinh tồn Việt” đã ít nhiều gây được sự chú ý.

Cụ thể, thời gian qua, khán giả bàn tán xôn xao về bộ phim “Cù lao xác sống” - bộ phim sinh tồn lấy xác sống làm chủ đạo. Phim lấy bối cảnh vùng Tây Nam Bộ, xoay quanh đại dịch zombie đang bùng phát tại vùng cù lao thuộc hạ nguồn Mekong. Người xem theo dõi cuộc trốn chạy của gia đình thầy thuốc đông y Công (Huỳnh Đông) trước hàng ngàn xác sống đeo bám. Anh cùng những người sống sót kết hợp lại trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bản thân và gia đình...

Xuyên suốt “Cù lao xác sống” là những lần hợp - tan giữa Công và con gái Na (Mona Mẫn Tiên) để rồi cuối cùng bị một người người phụ nữ lạ (Ốc Thanh Vân) bắt cóc mang về làm bạn cho con gái đang hóa thân thành xác sống.

Ban đầu khi ra rạp, phim nhận được sự quan tâm ít nhiều từ khán giả. Bởi vì đây là lần đầu điện ảnh Việt có một thể loại phim xác sống đầu tiên. Bằng chứng là những ngày đầu công chiếu, phim mang về từ 1-3 tỉ đồng doanh thu/ ngày. Điều đó cho thấy, phim đã làm tốt việc PR, quảng bá đến khán giả.

Tuy nhiên, những ngày sau đó, xoay quanh phim là những tranh cãi dữ dội. Khán giả cho rằng tạo hình zombie chưa thật sự ấn tượng. Các xác sống hiện ra như những bóng ma vật vờ, di chuyển chậm, dễ đối phó. Kịch bản cài cắm nhiều chi tiết khó hiểu; vai trò của nhân vật phụ cũng đặt nhiều thắc mắc. Việc lạm dụng các tình tiết hài hước đan xen yếu tố kinh dị biến “Cù lao xác sống” trở thành bộ phim “nửa nạc nửa mỡ”.

Điều khiến khán giả hụt hẫng nhất chính là cái kết có phần chưng hửng, không rõ ràng của phim. Phim rời rạp với hơn 12 tỉ đồng doanh thu - một con số khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt.

Trước “Cù lao xác sống”, tác phẩm tiên phong của dòng phim sinh tồn phải kể đến “Rừng thế mạng” ra mắt năm ngoái. “Rừng thế mạng” tạo sự gần gũi bằng câu chuyện lấy cảm hứng từ sự kiện có thật xảy ra trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Tuy nhiên phim thiếu các tình tiết kịch tính, đẩy nội dung và cảm xúc lên đến cao trào để mang lại sự hấp dẫn cho người xem. Thậm chí, tình huống một thành viên tách đoàn xuất phát từ một hiểu lầm được cho là không đáng. Chính vì xây dựng kịch tính chưa tốt, dẫn đến cách hành xử của nhân vật đôi lúc khiên cưỡng và mang tính sắp đặt.

Kết thúc phim, nhiều khán giả vẫn còn hoang mang vì một số điểm trong phim chưa được giải đáp đến nơi đến chốn.

Mới nhất, bộ phim “Virus cuồng loạn” ra mắt dịp lễ Halloween vừa qua. Phim bị đánh giá là thảm họa. Nhiều khán giả chê bai phim làm hời hợt, không đủ chất lượng ra rạp. Cụ thể, tạo hình các xác sống với gương mặt trắng bệt, thân hình khi di chuyển co giật lắc lư như những con rối trông thiếu tự nhiên. Những màn tấn công của chúng không có tình huống nào thật sự gay cấn mà chủ yếu chỉ tụ tập lại bên ngoài cánh cửa, ngoài cửa xe ô tô cào cấu la hét. Các cảnh hành động, chống trả với đám zombie chưa được dàn dựng đủ để bật lên tính căng thẳng, khốc liệt của một cuộc chiến sinh tồn. Cảnh chiếc trực thăng xuất hiện và nổ tung giữa trời khá thừa thãi mà lại còn làm lộ kỹ xảo giả trân. Phim thu về chưa đến 100 triệu đồng doanh thu dù đã chiếu được 4 ngày.

Ngoài các phim kể trên, sắp tới còn có những bộ phim sinh tồn khác, trong đó có “Móng vuốt”.

Rõ ràng, nhìn nhận một cách khách quan, các phim sinh tồn kể  trên có điểm chung là đều được thực hiện bởi ê-kíp trẻ. Yếu tố trẻ luôn có hai mặt của nó. Vì trẻ nên họ lăn xả và không ngại thử sức với những điều mới lạ. Thậm chí, một số ê-kíp cũng cố gắng mang lại những trải nghiệm mới lạ hơn cho khán giả, trong đó phim “Virus cuồng loạn” đã chi 600 triệu đồng để dựng một ngôi làng xác sống. Tuy nhiên, vì trẻ nên non kinh nghiệm dẫn đến các bộ phim dù có ý tưởng nhưng vẫn chưa thể khai thác triệt để, dẫn đến khán giả mất niềm tin ra rạp, doanh thu thua lỗ.

Thử nghiệm để rút kinh nghiệm?

Ở điện ảnh quốc tế, dòng phim sinh tồn đã quá quen thuộc, thậm chí nó còn trở nên thương hiệu đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng về Việt Nam, dòng phim này vẫn còn là bài toán quá khó của các nhà làm phim Việt. Việc lấn sân vào những dòng phim mới, vốn không thuộc thế mạnh khiến các nhà làm phim tạo ra một tác phẩm chưa “chín muồi” dẫn đến việc khán giả không thể thưởng thức trọn vẹn. Công bằng mà nói các phim kể trên đều có câu chuyện tốt nhưng lại khai thác nửa vời, chưa tới, dẫn đến phản tác dụng, khiến khán giả thiếu niềm tin khi mua vé ra rạp.

Việc dám thử nghiệm ở một thể loại phim mới là điều đáng hoang nghênh, thậm chí là nên cổ vũ để các nhà làm phim mạnh dạn bước ra vùng an toàn của mình. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, thông qua những thất bại vừa qua, bài học kinh nghiệm để lại là gì? Chứ không đổ lỗi hoàn toàn cho dòng phim sinh tồn quá khó thực hiện nên mới thua lỗ.

Ở Việt Nam, phim sinh tồn vẫn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ. Tuy nhiên, để “cày xới” nó, thật sự không dễ dàng. Từ thất bại của các nhà làm phim trước đó, nếu còn muốn khai thác thêm chủ đề này, ê-kíp làm phim cần đầu tư nghiêm túc, nghiên cứu kĩ lưỡng hơn về kịch bản, hóa trang và cũng như cách khai thác câu chuyện.