Quân đội Ukraine: Nga chuẩn bị tinh thần đánh giáp lá cà ở Kherson

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 19:22, 07/11/2022

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết quân đội Nga đang nỗ lực gia cố phòng tuyến tại khu vực Kherson và chuẩn bị tinh thần cho những trận chiến ác liệt sắp tới.
Quân đội Ukraine: Nga chuẩn bị tinh thần đánh giáp lá cà ở Kherson - 1
Rào chống tăng được dựng bên ngoài thủ đô Kiev trong giai đoạn đầu của xung đột Nga - Ukraine (Ảnh: Reuters).

Trong một thông cáo được đưa ra hôm 7/11, Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận quân đội Nga đang khẩn trương gia cố phòng tuyến tại khu vực thành phố Kherson. Các lô cốt và chốt phòng ngự cũng đang được nhanh chóng xây dựng nhằm chuẩn bị tinh thần cho những trận chiến giáp lá cà trên đường phố.

Quân đội Ukraine khẳng định Nga đã sơ tán nhiều dân thường ra khỏi Kherson và đưa binh sĩ cũng như phương tiện chiến đấu vào trong thành phố. Những dân cư đông đúc tại Kherson giờ đây đã đang dần được thay thế bởi các cứ điểm phòng ngự của Nga. Kiev cũng cáo buộc Moscow đã trưng dụng nhiều thuyền cá nhân của người dân Ukraine cho mục đích di tản.

Những ngày qua, quân đội Ukraine đã điều động một lực lượng rất lớn binh sĩ, xe tăng và xe bọc thép đến khu vực miền Nam nước này nhằm chuẩn bị cho trận "quyết chiến" nhằm giành lại Kherson.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 6/11 đã so sánh trận chiến giành Kherson giữa lực lượng Nga và Ukraine với trận Stalingrad trong Thế chiến thứ hai, cảnh báo dư chấn từ cuộc giao tranh có thể lan ra ngoài khu vực xung đột.

Tuy nhiên, theo chuyên gia George Barros, nhà phân tích xung đột Nga - Ukraine tại Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW), trước khi tiến vào Kherson, quân đội Ukraine sẽ phải vượt qua một trở ngại rất lớn, đó là sông Dnieper, con sông được ví như một phòng tuyến tự nhiên cho các lực lượng phòng thủ thân Nga bên trong thành phố.

Quân đội Ukraine: Nga chuẩn bị tinh thần đánh giáp lá cà ở Kherson - 2
Nga kiểm soát vùng Kherson ở miền Nam Ukraine từ tháng 3 (Đồ họa: Sky).

Việc vượt qua con sông này sẽ không dễ dàng trong bối cảnh các cây cầu bắc ngang qua sông Dnieper đã bị phá hỏng do các trận pháo kích dữ dội trong thời gian qua. Vượt sông bằng cầu phao và các phương tiện dã chiến cũng rất nguy hiểm do hỏa lực pháo binh và các hoạt động tấn công từ máy bay chiến đấu Nga.

"Việc vượt qua sông Dnieper sẽ là vô cùng khó khăn với Ukraine. Tôi cho rằng cho tới cuối năm nay, quân đội Ukraine sẽ chỉ giành được bờ phía Bắc con sông này", ông Barros chia sẻ.

Chuyên gia từ ISW cũng khẳng định quân đội Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ Kherson vì "vị trí có tính chiến lược quan trọng" của khu vực này. Bên cạnh đó, nếu mất Kherson, đây sẽ là thất bại lớn nhất của quân đội Nga kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Vì vậy, từ nhiều tháng nay, Moscow đã liên tục điều thêm các lực lượng nhằm gia cố tuyến phòng thủ tại Kherson.

CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE 

Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.

Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.

Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.

Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.