Long An: Hàng ngàn hecta thanh long bị chặt và bỏ hoang
Bất động sản - Ngày đăng : 17:14, 07/11/2022
Ngày 7-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An cho biết, tính đến hết quý III-2022, tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh 10.068 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP Tân An với sản lượng thu hoạch khoảng 190.000 tấn, giảm 55.000 tấn so với cùng kỳ. Trong đó huyện Châu Thành chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 9.200 ha.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, việc tiêu thụ thanh long của người dân gặp nhiều khó khăn, giá cả liên tục xuống mức thấp làm cho người trồng bị thua lỗ. Từ đó dẫn đến việc người dân bỏ vườn không chăm sóc trong thời gian dài, một số phá bỏ vườn thanh long để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Người dân huyện Châu Thành phá vườn thanh long để chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: HUỲNH DU |
Ông Nguyễn Văn Chiến (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết: “Từ lúc dịch bệnh, giá cả bấp bênh, bà con đầu tư không có lời, đều là lỗ, phân lên giá, giá nhân công lên. Nếu người nào có vốn nhiều thì chăm sóc giữ cho cây không bệnh, người nào không có chi phí nổi, thì không giữ bỏ hoang.
Đến thời điểm này, giá 10.000 đồng/kg bà con nào bỏ chi phí nhà thì chỉ đủ hoàn vốn không có lãi. Do đó, hiện tại nhiều người thiếu nợ ngân hàng, vì thu hoạch không có lãi, vay để tái lại sản xuất, chi tiêu cuộc sống”.
Diện tích thanh long huyện Châu Thành từ trên 9.000ha chỉ còn gần 5.900ha. Ảnh:HUỲNH DU |
Theo Bí thư Huyện ủy Châu Thành – Lê Quốc Dũng, hiện nay, diện tích thanh long (sạch bệnh và bệnh nhẹ) của huyện chỉ còn gần 5.900 ha. Toàn huyện có gần 1.900 ha thanh long hư hại nặng đã phá bỏ; trong đó, người dân đã trồng lại thanh long 241 ha, chuyển sang cây trồng khác 487 ha, còn gần 1.160 ha đất bỏ trống.
Bên cạnh đó, Châu Thành còn khoảng 1.320 ha thanh long già cỗi, bệnh nặng cần phải phá bỏ. Như vậy, toàn huyện có 2.480 ha người dân phải trồng mới lại vườn thanh long.
Huyện Châu Thành đã tham mưu cấp trên và thực hiện nhiều giải pháp như vận động người dân chủ động giữ vườn, chăm sóc, tu bổ cây thanh long; phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân trồng mới, hướng dẫn quy trình kỹ thuật khử trùng, tiêu hủy mầm bệnh; hướng dẫn quy trình trồng mới theo hướng hữu cơ, đạt các chuẩn GAP. Đồng thời, tổ chức liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết bền vững và xây dựng, đăng ký mã vùng trồng để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu", ông Dũng chia sẻ thêm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo người dân cân nhắc kỹ, không nên vội vàng phá bỏ cây thanh long. Ảnh: HUỲNH DU |
Huyện Châu Thành đã khảo sát sơ bộ tại 12/13 xã của huyện, có 82,6% người dân có vườn thanh long bị hư hại, bỏ hoang thống nhất trồng mới lại thanh long; có 88,1% người dân thống nhất trồng thanh long theo quy trình VietGAP; 87,1% người dân đồng ý tham gia hợp tác xã để liên kết theo chuỗi giá trị... Từ đó, có thể thấy nhu cầu phục hồi sản xuất thanh long tại địa phương rất cao, người dân mong muốn phát triển cây thanh long theo hướng bền vững.
Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo người dân cân nhắc kỹ, không nên vội vàng phá bỏ; đồng thời, cần duy trì các giải pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm tránh làm vườn thanh long bị suy kiệt.
Hiện nay, tỉnh đang xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu: Lồng ghép thực hiện mô hình điểm sản xuất thanh long theo GAP, khảo sát thanh long khoảng 1-3 năm tuổi để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu có bao tiêu đầu ra ổn định.