Nguồn gene đặc biệt quý hiếm sâm Lai Châu và khát vọng vươn xa
Tin tức - Ngày đăng : 10:45, 07/11/2022
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về phát triển dược liệu, đặc biệt là phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, tỉnh Lai Châu đã và đang đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển trồng sâm Lai Châu trên địa bàn.
Nhiều chính sách thu hút
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với diện tích tự nhiên hơn 9.000km2, trong đó có 50% diện tích rừng.
Là tỉnh có khí hậu vùng nhiệt đới và một số nơi có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng với nguồn dược liệu quý như lan kim tuyến, sâm vũ diệp, bảy lá một hoa, tam thất, thất diệp nhất chi mai, thổ hoàng liên, hoàng tinh…; trong đó, có sâm Lai Châu.
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, những năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Lai Châu đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Ông Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu, cho biết từ năm 2014 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu triển khai đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu như đề tài cấp bộ: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và trồng cây Sâm Lai Châu” và đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài Sâm Lai Châu, Tam thất hoang ở các xã vùng cao huyện Mường Tè."
Kết quả nghiên cứu chỉ ra, sâm Lai Châu là nguồn gene đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh tương đương nhau (khoảng 20%).
Hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23%.
Để có chiến lược phát triển đúng trên cơ sở tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế dưới tán rừng, tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết về Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để định hướng và hỗ trợ phát triển.
Tỉnh hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình, nhân giống theo đề tài nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.
Tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của tỉnh; tổ chức các hội thảo về sâm Lai Châu, thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu.
Đến nay, Lai Châu có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, gây trồng được trên 15ha sâm Lai Châu tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường.
Đây là cơ hội giúp bà con vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới Lai Châu từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cùng đó, Lai Châu đề nghị với Chính phủ sớm phê duyệt Đề án thí điểm thuê dịch vụ môi trường rừng trồng dược liệu dưới tán rừng. Tỉnh Lai Châu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến bố trí thực hiện thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu với quy mô trên 3.000ha rừng phòng hộ.
Khi Đề án thí điểm được phê duyệt sẽ mở ra cơ hội, điều kiện để đồng bào các dân tộc vùng khó Lai Châu thay đổi cuộc đời.
Giá trị kinh tế cao
Sâm Lai Châu thuộc chi nhân sâm, họ ngũ gia bì, là dược liệu rất quý hiếm đã có từ rất lâu đời trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress; lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hóa, an thần nên giá trị kinh tế trên thị trường cao.
Sâm Lai Châu là cây đặc hữu, ưa ẩm, ưa khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Loại cây này phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung, các xã Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ của huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa huyện Sìn Hồ và Tam Đường.
Mường Tè là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất của tỉnh Lai Châu với trên 267.000ha. Với thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt là sâm Lai Châu.
Thời gian qua, huyện Mường Tè đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở tạo mọi điều kiện thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu và tạo thuận lợi cho người dân phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè cho hay, sâm Lai Châu là cây trồng có giá trị kinh tế cao, sau 5-6 năm trồng có thể bán.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào trồng sâm Lai Châu, huyện chú trọng tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn; huyện đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh, gọn; thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng.
Cùng đó, huyện thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tổ giúp việc thực hiện các nghị quyết, chính sách theo đề án phát triển nông nghiệp của huyện; tổ chức các hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và tìm hướng giải quyết, nhằm thúc đẩy phát triển cây sâm Lai Châu trên địa bàn.
Qua đó, cây sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè bước đầu được các doanh nghiệp biết đến và đầu tư phát triển loại cây này.
Đến nay, toàn huyện Mường Tè có 9 doanh nghiệp đang khảo sát và xin chủ trương đầu tư trồng sâm Lai Châu. Hiện, có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 30 hộ nông dân đang liên kết trồng cây dược liệu; trong đó diện tích sâm Lai Châu đã phát triển được trên 5,6 ha ở các xã Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ và Pa Ủ.
Điển hình như Công ty Pusilung Center ở bản Sín Chải C, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè trồng khoảng 1ha sâm Lai Châu từ năm 2016. Đến nay, công ty có gần 3.000 cây sâm Lai Châu đầu dòng tự nhiên với độ tuổi từ 10-80 năm và tạo việc làm cho từ 8-12 lao động địa phương mới mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Pusilung Center, chia sẻ sâm Lai Châu là loại cây cho giá trị kinh tế cao từ 100-300 triệu đồng/cây sâm đầu dòng và 300-400 nghìn đồng/cây sâm giống 1 năm tuổi.
Nhận thấy Mường Tè có điều kiện thuận lợi để trồng sâm, công ty đã liên kết với bà con xã Pa Vệ Sủ để trồng. Sau gần 7 năm triển khai trồng, các cây sâm hầu hết đã cho hạt và ươm được khoảng 10 vạn cây sâm giống; riêng năm 2022 công ty ươm được 2 vạn cây. Đây là nguồn cây giống để công ty nhân rộng quy mô trong những năm tới.
“Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chưa phê duyệt Đề án thí điểm thuê dịch vụ môi trường rừng trồng dược liệu dưới tán rừng, nên công ty chưa thể mở rộng thêm quy mô, diện tích trồng. Thời gian tới, công ty mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt đề án tạo thuận lợi về thủ tục giao đất, thuê đất để công ty mở rộng diện tích. Đồng thời, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu quan tâm đầu tư hỗ trợ xây dựng đường giao thông dẫn đến vùng đã được quy hoạch trồng sâm, nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương,” ông Tuấn chia sẻ thêm.
Nhằm đẩy mạnh phát triển cây sâm Lai Châu trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu tiếp tục khuyến khích việc tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tiếp tục khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân.
Tỉnh tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng trồng, chú trọng sản xuất và hỗ trợ xây dựng nguồn giống; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Sâm Lai Châu từng bước đưa cây Sâm Lai Châu trở thành cây trồng thoát nghèo và làm giàu của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Từ ngày 11-13/11 tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 có chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa,” nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây Sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của cây sâm và các sản phẩm từ sâm, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.