Elon Musk chỉ cần một tuần để khiến Twitter hỗn loạn
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 13:13, 06/11/2022
Ít ngày sau khi nằm dưới quyền điều hành của người đàn ông giàu nhất hành tinh, Twitter bắt đầu đợt sa thải nhân viên lớn nhất lịch sử công ty. Hầu hết bộ phận đều thanh lọc nhân sự triệt để.
Sau quyết định chấn động đó, các nhóm hoạt động xã hội đã lên tiếng kêu gọi các nhà quảng cáo tẩy chay Twitter. Họ lo ngại nền tảng này sẽ thiếu an toàn và buông lỏng việc kiểm duyệt nội dung. Ngay trong đêm bị sa thải, một số cựu nhân viên đã khởi kiện Twitter, tố công ty này vi phạm luật lao động.
Quyết định gây sốc
Một trong những quyết định đầu tiên của Elon Musk với tư cách cổ đông lớn nhất Twitter là sa thải hàng loạt lãnh đạo công ty, bao gồm CEO Parag Agrawal, Giám đốc Tài chính Ned Segal, Giám đốc Pháp chế và Chính sách Vijaya Gadde, và cố vấn cấp cao Sean Edgett.
Ông chủ mới cho rằng lực lượng lao động của Twitter quá lớn và quá chú trọng vào việc kiểm duyệt nội dung, an toàn nền tảng, phát triển sản phẩm và tiếp thị. Sau khi tiếp quản, Elon Musk nhận ra ông vừa bỏ 44 tỷ USD để mua lại tập đoàn thua lỗ 221 triệu USD trong năm tài chính 2021.
Theo Josh White, trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Vanderbilt, để giải quyết khoản nợ khi huy động vốn cho giao dịch, Twitter cần phải tăng tỷ suất lợi nhuận. Cắt giảm chi phí nhân sự chính là một cách hướng đến việc đó.
Một nửa trong tổng số 7.500 nhân viên Twitter tại trụ sở chính ở San Francisco sẽ mất việc. Ảnh: New York Times. |
Trong một thông điệp nội bộ, các quản lý Twitter yêu cầu nhân viên tìm cách cắt giảm chi phí 500 triệu USD/năm, bao gồm trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng cần thiết để vận hành nền tảng cũng như lực lượng lao động hợp đồng thực hiện công việc kiểm duyệt nội dung.
Hôm 5/11, người đứng đầu bộ phận an ninh của Twitter thông báo công ty đã sa thải 50% nhân viên, đồng thời cho biết khả năng kiểm duyệt nội dung của nền tảng này vẫn được duy trì. Nguồn tin giấu tên của Washington Post cũng xác nhận con số này. Các bộ phận bị thanh lọc triệt để nhất gồm bán hàng, tiếp thị, an toàn, kỹ thuật và pháp lý.
Twitter chao đảo
Các chuyên gia cho rằng việc cắt giảm mạnh nhân sự có thể gây ra những hậu quả trên diện rộng cho nền tảng, đặc biệt là trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ.
Quyết định cắt giảm mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng có thể khiến trang web dễ gặp trục trặc kỹ thuật hoặc bị tấn công. Giảm nhân sự trong nhóm kiểm duyệt nội dung dẫn đến việc chậm phản ứng trước các bài viết phân biệt chủng tộc, kỳ thị. Thực tế cho thấy sau khi Elon Musk tiếp quản, số lượng nội dung loại này trên Twitter đã tăng rõ rệt.
Nội bộ Twitter hỗn loạn sau kế hoạch sa thải hàng loạt. Ảnh: Getty Images. |
Ngoài ra, quyết định sa thải ồ ạt khiến lực lượng nhân viên Twitter rơi vào trạng thái hỗn loạn, tinh thần làm việc sa sút. Hành động khóa tức thời các kênh liên lạc (email, Slack) của những người bị đuổi việc tạo ra khoảng trống giao tiếp lớn trong nội bộ Twitter và giữa tập đoàn với các bên liên quan.
Một số bộ phận bị loại bỏ hoàn toàn, chẳng hạn như nhóm Ethical AI. Các nhân viên từ bộ phận nhân quyền, nhóm chuyên giám sát nội dung để bảo vệ người dùng trong các cuộc xung đột và khủng hoảng toàn cầu, cũng cho biết tất cả thành viên đã bị sa thải.
Nhân viên khởi kiện
5 cựu nhân viên Twitter đã đệ đơn kiện tập thể hôm 3/11. Họ tố công ty vi phạm luật lao động liên bang và tiểu bang khi sa thải hàng loạt mà không thông báo trước.
Theo quy định của Mỹ, người sử dụng lao động thực hiện đợt sa thải quy mô lớn phải thông báo cho người lao động, chính quyền tiểu bang và địa phương 60 ngày trước khi cắt giảm việc làm. Khoảng thời gian này giúp người lao động tìm kiếm việc làm mới, điều chỉnh chi tiêu gia đình, học các kỹ năng mới hoặc đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
Một ngày trước khi tiếp quản Twitter, Elon Musk mang theo bồn rửa tay vào trụ sở tại San Francisco nhằm thể hiện quan điểm. Ảnh: Twitter. |
Cựu nhân viên Twitter tuyên bố công ty không tuân thủ quy định đó. Họ nhận thông báo vào tối ngày 3/11 rằng bị đình chỉ làm việc từ ngày 4/11. Trong khoảng thời gian 60 hoặc 90 ngày kế tiếp, những người này được bồi thường, trợ cấp nhưng không thể làm bất kỳ việc gì.
Động thái này bị quy vào hoạt động “trả tiền thay cho thông báo” - một hành vi vi phạm luật lao động của Mỹ.
Như một cách thức xoa dịu dư luận, Elon Musk tuyên bố sẽ trả trợ cấp 3 tháng cho tất cả nhân viên bị sa thải. Đổi lại, họ phải cam kết rút đơn hoặc không tiếp tục khởi kiện chống Twitter, trả lại các thiết bị của công ty, bao gồm máy tính, bảng tên.
Đối tác quảng cáo quay lưng
Trong tình thế rối loạn tại mạng xã hội lớn thứ 2 thế giới, hàng loạt đối tác đã rút quảng cáo khỏi Twitter hoặc ít nhất tạm dừng các chiến dịch tiếp thị.
Những tên tuổi lớn phải kể đến gồm các nhà sản xuất ôtô Ford, General Motors và Volkswagen (kể cả thương hiệu con Audi); tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer; hãng hàng không United Airlines, công ty tư vấn và quảng cáo quốc tế Interpublic, đơn vị đại diện cho American Express, Coca-Cola, Fitbit, Spotify và hàng chục tập đoàn lớn khác.
Các nhà sản xuất ôtô lo ngại họ không được đối xử công bằng trên Twitter dưới thời Musk, sếp mới Twitter đồng thời là Giám đốc điều hành Tesla.
"Chúng tôi tạm dừng tất cả quảng cáo trên Twitter và sẽ tiếp tục đánh giá tình hình", người phát ngôn của Audi nói với DailyMail vào 3/11, một tuần sau khi Elon Musk hoàn tất thương vụ mua Twitter trị giá 44 tỷ USD.
Tương tự, người phát ngôn của General Mills, công ty sản xuất ngũ cốc Cheerios và kem Häagen-Dazs, cho biết đang tạm dừng quảng cáo trên Twitter để đánh giá hướng đi mới của nền tảng.
Các nhà hoạt động tiếp tục tìm cách gây áp lực, yêu cầu những công ty khác rút quảng cáo trên Twitter. Họ cho rằng Elon Musk đã bắt đầu dùng nền tảng này để truyền bá thuyết âm mưu và kích động thù ghét.