Vụ đốt nhà ở Hưng Yên: Ba người con gái có thể bị truất quyền thừa kế
Nhịp sống - Ngày đăng : 20:39, 05/11/2022
Tẩm xăng đốt mẹ, 3 người con gái đối mặt với mức án nào?
Hành vi sử dụng chất cháy nguy hiểm là xăng để đốt nhà, thiêu sống người khác là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ trong đó có tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân.
"Nếu người thực hiện hành vi là con và nạn nhân là mẹ thì hành vi này còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, là hành vi tán tận lương tâm", đó là khẳng định của TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội.
Ba người con gái đốt nhà mẹ đẻ có nguy cơ bị truất quyền thừa kế.
Theo thông tin ban đầu thì người đổ xăng và châm lửa là người con gái thứ hai của bà chủ nhà. Khi xác định được danh tính của người này, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can đối với cô gái này về tội giết người và sẽ tạm giam để điều tra theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị khởi tố bị can nhưng cũng bị thương nặng đang điều trị tại bệnh viện thì sẽ có người giám sát chặt chẽ, sau khi ra viện thì sẽ tạm giam theo quy định pháp luật để tiến hành điều tra.
Ngoài người thực hiện hành vi đổ xăng và châm lửa thì hai người con gái còn lại cũng sẽ được xác định là nghi phạm của vụ án. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đổ xăng để đốt nhà mẹ đẻ có sự bàn bạc phân công thống nhất của hai người con còn lại hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy cả ba người con gái cùng bàn bạc, thống nhất với nhau về việc sẽ mua xăng để đốt nhà mẹ đẻ, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra và có thể dẫn đến hậu quả chết người thì cả ba người này đều bị xử lý về một tội danh là tội giết người.
Cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can đối với cả ba người con gái này về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết từ 02 người trở lên; hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn; phạm tội với người và người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc... Mức hình phạt nghiêm khắc là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại khoản 1, Điều 123 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, các bị can trong vụ án này cũng sẽ phải đối mặt với hình phạt tù có thời hạn của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 bộ luật hình sự. Mức hình phạt cụ thể đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại về tài sản, tính chất của hành vi và nhân thân của các bị can.
Trường hợp kết tội về nhiều tội danh thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất trong các tội danh bị kết tội là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình. Nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt của hai tội danh đều là phạt tù có thời hạn thì hình phạt cao nhất sẽ không quá 30 năm.
Việc quyết định hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo sẽ phụ thuộc vào quy định của bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đối với vụ án có đồng phạm thì với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, không thành khẩn ăn năn thì sẽ có hình phạt nghiêm khắc. Còn đối với đối tượng phạm tội với vai trò giúp sức, thứ yếu, nhận thức được hành vi của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt chỉ có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Trong số những người có mặt trên hiện trường thì người mua xăng, mang sang đến và người đã châm lửa để đốt nhà chắc chắn sẽ bị khởi tố bị can về tội giết người. Còn nếu có những người khác có mặt trên hiện trường không có ý định thực hiện hành vi đốt nhà, đã ngăn cản đối tượng thực hiện hành vi đốt nhà thì người này sẽ không bị xử lý hình sự.
Không chia đều tài sản cho con gái có đúng quy định?
Theo thông tin ban đầu từ phía chính quyền địa phương thì vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai và những người con gái này yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản cho cha mình để lại. Nếu trường hợp có căn cứ cho thấy người cha đã qua đời và không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp thì di sản của người cha để lại sẽ được thừa kế theo pháp luật.
Khi đó, hàng thừa kế thứ nhất sẽ gồm mẹ và các người con. Trong đó, con gái cũng được hưởng thừa kế như con trai. Nội dung này được quy định tại điều 621 và điều 651 bộ luật dân sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật, nếu các thành viên trong gia đình không thống nhất được với nhau về việc thỏa thuận phân chia thừa kế thì có thể đề nghị ủy ban nhân dân cấp xã phường hòa giải, nếu hòa giải không thành thì có thể gửi đơn thư đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Pháp luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác khi có tranh chấp về dân sự.
Việc những người con gái không tuân thủ quy định pháp luật về thừa kế, lựa chọn cách thức mà pháp luật cho phép là khởi kiện đến tòa án để được giải quyết mà lại sử dụng bạo lực, mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ thì đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật hình sự, hành vi này sẽ bị xã hội cười chê, lên án và phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì người thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người có di sản; vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng; sửa chữa, hủy bỏ di chúc hoặc có hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của các thừa kế khác nhằm chiếm đoạt di sản thì sẽ bị truất quyền thừa kế. Bởi vậy, ngoài việc xử lý hình sự đối với những người con gái có hành vi giết người, hủy hoại tài sản thì trong quá trình giải quyết tranh chấp về dân sự (nếu có) thì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét hành vi này có thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế hay không. Nếu thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế thì ngoài trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của những đồng thừa kế khác cũng sẽ bị truất quyền thừa kế theo quy định tại Điều 621 BLDS năm 2015.
Theo Dân trí