Người Hàn sợ đi tàu điện ngầm sau thảm kịch ở Itaewon

Tin thế giới - Ngày đăng : 21:00, 04/11/2022

Lee đã phải xuống tàu giữa chừng do cảm thấy ngạt thở và luôn tưởng tượng điều khủng khiếp nào đó có thể xảy ra như trong vụ tai nạn ở Itaewon.

Theo Korea Times, một nhân viên văn phòng 30 tuổi họ Lee, đi trên tuyến tàu điện ngầm Seoul số 9 trong chuyến đi buổi sáng từ ga Dangsan đến ga Sinnonhyeon, đã xuống tàu giữa chừng vào sáng thứ hai, do cảm thấy khó thở.

"Tôi không thể thở được. Đây không phải là lần đầu tiên tôi cảm thấy như nghẹt thở khi đi tàu điện ngầm buổi sáng, nhưng nó nghiêm trọng đến mức, giống như một cơn hoảng loạn", cô nói.

Khi mọi người tiếp tục nhồi nhét vào chuyến tàu đã chật cứng, Lee không thể ngừng tưởng tượng những điều sẽ xảy ra tương tự như trong thảm kịch tại Itaewon trước đó.

"Mặc dù tôi không ở Itaewon vào đêm hôm đó, tôi vẫn cảm thấy một điều gì đó khủng khiếp có thể xảy ra trên tàu điện ngầm", Lee cho hay.

Người Hàn sợ đi tàu điện ngầm sau thảm kịch ở Itaewon - 1

Một ga tàu tại điểm ga sân bay Gimpo trên tuyến tàu điện ngầm Seoul số 9 đông đúc vào buổi sáng. Ảnh: Korea Times.

Vào đêm 29/10, thảm họa đã xảy ra với những người chen chúc trong một con hẻm hẹp, dốc ở trung tâm Itaewon của Seoul, dẫn đến ít nhất 156 người thiệt mạng và 151 người bị thương. Hàng nghìn người ra ngoài ăn mừng Halloween đã bị chen chúc trong con hẻm chật hẹp.

Vụ tai nạn này dường như đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Người Hàn Quốc, những người đã quá quen với mật độ đô thị và tình trạng đông đúc trên đường phố, giờ đây đột nhiên lưu ý đến mức độ nguy hiểm của các điều kiện này.

Theo dữ liệu năm 2021 từ Seoul Metro, mật độ trung bình trong giờ cao điểm buổi sáng giữa các ga Noryangjin và Dongjak trên tuyến số 9 - một trong những khu vực đông đúc nhất - được đo là 185%. Nếu mật độ vượt quá 150%, hành khách không thể di chuyển tự do trong tàu.

Người đi làm gọi là "địa ngục", khi những người trong các tàu điện ngầm chật cứng bị dồn ép vào nhau, không thể di chuyển tự do. Những cuộc ẩu đả nhỏ nổ ra khi họ chen lấn hoặc ra khỏi tàu, trong khi một số hành khách có thể không xuống được tại điểm dừng của họ.

Park Cheong-woong - giáo sư quản lý an toàn tại Sejong - cho biết: "Các tàu điện ngầm ở Seoul chật cứng đến mức có thể dẫn đến khó thở hoặc hoảng sợ cho một số hành khách. Nhưng chúng tôi đã quen với mật độ dày đặc trong cuộc sống hàng ngày".

Lee Song-kyu - người đứng đầu Hiệp hội Chuyên gia An toàn Hàn Quốc - cảnh báo rằng thảm họa đám đông bất ngờ có thể xảy ra tại bất kỳ sự kiện hoặc tụ tập lớn nào.

"Tôi sẽ không nói rằng có khả năng lớn tàu điện ngầm nhồi nhét sẽ dẫn đến tai nạn đám đông nghiêm trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng thảm kịch Itaewon đã cho chúng ta thấy rằng thảm họa đám đông có thể xảy ra bất ngờ ở bất cứ đâu. Do đó, chính quyền địa phương, cũng như mọi người, nên cảnh giác về nó", ông nói.

Hà Thu