Gian nan 'xây tổ ấm' cho voi rừng
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 23:00, 03/11/2022
Những ngày cuối tháng 10, người dân ở dọc bìa rừng ở xã Châu Phong (Quỳ Châu, Nghệ An) lại sống trong thấp thỏm vì 2 mẹ con voi rừng thường xuyên xuống gần khu dân cư.
Việc voi rừng xuất hiện liên tục đang dấy lên lo ngại về việc môi trường sống của động vật hoang dã nói chung và voi rừng nói riêng đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Những con voi cô độc
Theo các bậc cao niên ở xã Châu Phong, trước đây những cánh rừng già ở Châu Phong, Châu Hạnh là địa bàn sinh sống của đàn voi hàng chục con. Tuy nhiên, nạn săn bắn từ nhiều năm trước đã khiến chúng dần bị sát hại. Đặc biệt là cách đây gần 30 năm, có lần 2 con voi đực bị sát hại cùng lúc để lấy ngà. Chính vì thế mà từ một đàn voi đông đúc, nay chỉ còn 2 mẹ con voi rừng nương tựa nhau suốt hơn 10 năm qua. Đây cũng là đàn voi duy nhất còn sót lại ở huyện Quỳ Châu.
Dù vẫn còn 2 con, nhưng đàn voi ở huyện Quỳ Châu này vẫn được xem như “đàn voi đơn lẻ”, vì không có voi đực, không còn khả năng phát triển. Đàn voi sẽ bị xóa sổ trong nay mai nếu như không được khẩn trương sáp nhập với đàn khác. Đó cũng là cảnh ngộ của nhiều đàn voi đơn lẻ khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 5 đàn voi với khoảng 16 con; là địa phương có số voi hoang dã lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau Đắk Lắk và Đồng Nai. Tuy nhiên, trong số 5 đàn thì có đến 3 đàn đơn lẻ, không còn khả năng phát triển. Ngoài 2 mẹ con voi rừng ở huyện Quỳ Châu, còn có 1 con voi cái sinh sống ở những cánh rừng tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn (Quỳ Hợp). Con voi cái này sống cô độc đã hơn 20 năm qua, sau khi các thành viên trong đàn lần lượt bị đặt bẫy, bị săn bắn… Dường như vì quá cô độc, nó thường xuyên về quấy phá dân làng. Chỉ trong năm 2021, theo thống kê của huyện Quỳ Hợp, con voi này đã gây thiệt hại 120 triệu đồng cho bà con 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn. Đàn voi đơn lẻ thứ 3 là con voi cái thường về các bản làng ở các xã Lục Dạ, Chi Khê (Con Cuông).
Trong 2 đàn voi còn lại, thì 1 đàn voi khoảng 4 con thường sinh sống trong Vườn Quốc gia Pù Mát, địa phận xã Tam Hợp (Tương Dương), đã không còn được ghi nhận suốt nhiều năm qua. Do địa bàn chúng sinh sống gần với biên giới, các chuyên gia không loại trừ khả năng đàn voi này đã di chuyển qua Lào. Vì thế, tại Nghệ An chỉ còn 1 đàn voi rừng được ghi nhận có sự phát triển trong 10 năm qua. Đó là đàn voi 8 con thường xuất hiện ở các bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (Anh Sơn). Cụ thể, sau 10 năm thì đàn voi này được ghi nhận đã có thêm 1 chú voi con.
Bất lực nhìn đàn voi dần bị xóa sổ
Trước tình trạng xung đột giữa voi và người cũng như để bảo tồn, phát triển các đàn voi đơn lẻ, nhiều địa phương như huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu đã nhiều lần có văn bản đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét phương án di dời voi sang khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là khu vực rộng lớn, có chức năng bảo tồn động, thực vật hoang dã. Hơn nữa, ở đây đang có nhiều đàn voi sinh sống, giúp các đàn voi đơn lẻ có bạn để sinh sản, phát triển thêm.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng, phương án này gần như bất khả thi, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. “Từ gần 10 năm trước, khi có đề án bảo tồn voi hoang dã, ngành nông nghiệp cũng đã tính đến phương án phát triển các đàn voi. Tuy nhiên, phải thừa nhận là rất khó. Nếu như không muốn nói là không khả thi”, bà Nhung nói.
Theo bà Nhung, trên thực tế trên toàn quốc đã nhiều lần di chuyển voi rừng về vùng sinh thái mới, nhưng các lần di chuyển đều thất bại do vùng sinh thái mới không phù hợp, voi không hòa nhập được với đàn mới. Đặc biệt là lần di chuyển đàn voi Tánh Linh ở tỉnh Bình Thuận lên tỉnh Đắk Lắk hơn 20 năm trước. Dù việc di chuyển được lên kế hoạch tỉ mỉ, nhưng chúng sau đó nhanh chóng bị chết vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do mất sức và môi trường sống không phù hợp.
“Việc di chuyển voi rừng cực kỳ phức tạp. Thường phải bắn thuốc mê rồi vận chuyển. Tuy nhiên, ở Nghệ An voi thường sống trên địa bàn rừng núi hiểm trở. Việc bắn thuốc mê cũng gây nguy hiểm cho voi. Đó là chưa kể, gây mê voi xong thì cũng rất khó di chuyển chúng ra khỏi rừng vì địa hình hiểm trở, phương tiện khó vào”, bà Nhung nói.
Hiện nay có 2 loại thuốc mê là loại tác dụng nhanh và chậm. Loại tác dụng nhanh bắn xong voi bị mê lập tức, như vậy, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe voi. Đặc biệt ở địa hình núi dốc, không loại trừ khả năng voi bị bắn xong, gục ngã rồi rơi xuống vực hoặc lăn xuống dốc mà chết. Loại thứ 2 có tác dụng sau khoảng 25 phút. Nếu dùng loại này, sau khi bắn xong, voi sẽ hoảng loạn mà chạy vào rừng sâu. Như vậy, những người bắn thuốc mê sẽ khó mà đuổi theo kịp để biết nó sẽ gục ở vị trí nào. Có khi tìm cả ngày không thấy, mà thấy rồi cũng phải phá rừng làm đường để đưa nó đi, rất tốn kém. Chưa kể, trên đường bỏ chạy sau khi bị bắn thuốc, con voi có thể gặp nguy hiểm.
Một cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát nhiều năm nghiên cứu voi hoang dã ở Nghệ An thì cho hay, ý thức về lãnh thổ của voi rừng là rất lớn, nên việc sáp nhập đàn dường như là điều không thể. “Qua nhiều năm nghiên cứu, tôi phát hiện có nhiều đàn voi có địa bàn sinh sống rất gần nhau. Nhưng chúng không bao giờ xâm phạm đến địa bàn của nhau. Đó là ý thức về vùng lãnh thổ. Chính vì thế mà dù có gây mê rồi di chuyển chúng lại với nhau, sau đó, chúng cũng rất khó để sinh tồn. Vì không phải lãnh thổ của chúng”, vị này nói.
Tuy vậy, theo bà Võ Thị Nhung, về vấn đề di dời voi, Sở đã và đang đề xuất các viện nghiên cứu, điều tra đầy đủ về các yếu tố cần và đủ để triển khai việc di dời các thể voi này sang địa bàn mới an toàn. Trong thời gian sống chung với voi rừng như hiện nay, bà Nhung đề nghị các địa phương tuyên truyền cho người dân, khi voi rừng xuất hiện cần dùng kẻng, trống, mõ gây ra tiếng động lớn để xua đuổi. Tuyệt đối không được dùng bất cứ biện pháp nào có thể gây tổn thương đến voi rừng. Trường hợp voi nguy hiểm tính mạng, thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự những tập thể, cá nhân liên quan. UBND các huyện có trách nhiệm chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã, các hộ dân sống gần rừng và ven rừng trồng những loại cây trồng không thuộc nguồn thức ăn của voi để hạn chế việc phá hoại.