Cổ phiếu bất động sản tiếp chuỗi ngày buồn, ngân hàng phân hóa
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 13:24, 03/11/2022
Thị trường cổ phiếu tập trung của Việt Nam chịu áp lực bán ra ngay từ đầu phiên giao dịch 3/11 sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu có thể sẽ tăng lãi suất lên mức cao hơn so với dự kiến.
Theo đó, mức lãi suất cuối cùng sẽ cao hơn so với mức dự kiến 4,5-4,6% trước đây.
Rạng sáng 3/11 (giờ Việt Nam), Fed đã tăng lãi suất 75 điểm phần trăm, đúng như dự kiến. Đây là lần thứ 6 trong năm nay, với tổng mức tăng thêm 375 điểm phần trăm từ mức 0-0,25% lên mức 3,75-4%/năm như hiện tại.
Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều thị trường cổ phiếu trên thế giới như Hong Kong (Trung Quốc),... cũng tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Chỉ số Hang Seng sáng 3/11 lao dốc thêm 3%, nâng tổng số điểm mất từ hồi đầu năm tới nay lên tròn 10.000 điểm (từ mức 25.362 điểm xuống còn 15.360 điểm vào sáng 3/11).
Chỉ số VN-Index sáng 3/11 có lúc giảm 10 điểm. Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy giúp nhiều cổ phiếu tăng trở lại và VN-Index về quanh mức tham chiếu gần cuối phiên sáng.
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục kéo dài chuỗi ngày giảm giá trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại mức lãi suất cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tín dụng eo hẹp và ảnh hưởng của một số trái phiếu xấu... có thể ảnh hưởng tới triển vọng chung của nhóm doanh nghiệp bất động sản thời gian tới.
Cổ phiếu Novaland (NVL) tính tới 11h sáng 3/11 giảm 4.000 đồng, xuống còn 65.200 đồng/cp.
Trong vòng một tháng rưỡi qua, cổ phiếu Novaland của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn đã giảm hơn 25%, từ mức 87.000 đồng/cp xuống còn 65.000 đồng/cp như hiện tại. Cổ phiếu Novaland đi ngược so với diễn biến ít xấu hơn trên thị trường chứng khoán chung trong vài tuần qua.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tiếp tục diễn biến kém tích cực.
Tính tới 11h5 sáng 3/11, cổ phiếu VIC giảm thêm 1.000 đồng, xuống 54.400 đồng/cp. Cổ phiếu VIC đã giảm tròn 50% trong gần năm qua, từ 109.000 đồng/cp xuống mức hiện tại.
Cổ phiếu Vincom Retail (VIC) của ông Vượng cũng giảm nhẹ.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng phân hóa. Một số cổ phiếu quay đầu giảm sau một đợt hồi phục 15-25% vừa qua như: Vietcombank, VPBank, TPBank. Trong khi đó, Sacombank và Techcombank có dấu hiệu nhích nhẹ dù đã tăng cùng đợt với các cổ phiếu ngân hàng khác.
Tính tới gần cuối phiên sáng 3/11, hai cổ phiếu ngân hàng lớn BIDV và Vietinbank đứng giá.
Từ đầu năm tới nay, nhóm ngân hàng đối mặt với nhiều áp lực. Đó là lạm phát cao toàn cầu khiến Mỹ tăng mạnh lãi suất, qua đó gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam.