Nhóm cổ phiếu bất động sản chưa ngừng giảm

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 13:13, 02/11/2022

Nhóm cổ phiếu bất động sản chưa ngừng giảm sau khi đã mất giá rất nhiều trong tháng vừa qua cho dù doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ông Bùi Thành Nhơn báo lượng tiền tới cuối quý 3 dồi dào.

Trong phiên giao dịch sáng 2/11, nhiều mã cổ phiếu trụ cột trên sàn tiếp tục chịu áp lực bán ra và suy giảm, cùng với nhóm tài chính ngân hàng yếu trở lại,... đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán nói chung.

Thanh khoản ở mức thấp do dòng tiền eo hẹp. Tính tới 10h43 ngày 2/11, chỉ số VN-Index giảm 3,2 điểm xuống ngưỡng 1.030 điểm. Trong phiên sáng có lúc VN-Index giảm gần 10 điểm.

Nhóm bộ ba cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, gồm Vingroup (VIC), Vincom Retail (VRE) và Vinhomes (VHM) đa phần trong thời gian buổi sáng giảm giá. Vinhomes có thời điểm quay đầu tăng nhẹ.

Tính tới 10h15, cổ phiếu Novaland của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn giảm 3.900 đồng xuống 66.100 đồng/cp. Trong vòng một tháng rưỡi qua, cổ phiếu Novaland của nhà ông Bùi Thành Nhơn đã giảm hơn 24%.

Cổ phiếu Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 50% trong vòng gần một năm qua, từ mức gần 110.000 đồng/cp xuống còn 55.000 đồng/cp tính tới 10h20 ngày 2/11.

Novaland vừa công bố báo cáo tài chính với lượng tiền và tương đương tiền cuối quý III/2022 lên tới hơn 21.000 tỷ đồng, trong khi Vingroup của tỷ phú Vượng cũng ghi nhận khoản này đạt gần 26.450 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn chịu áp lực bán ra. (Nguồn: FPTS)

Tháng 10 vừa qua là khoảng thời gian ác mộng với nhiều cổ phiếu bất động sản nói chung, không ít mã giảm tới 30-40% như DIG giảm hơn 40%, Đất Xanh giảm gần 40%, KBC giảm 40%, TCD giảm 42%...

Trong phiên sáng 2/11, nhiều cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm giá sau một vài phiên tăng điểm nhờ những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý III và khả năng có thể được nâng room tín dụng, khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn khoảng 2-3% trong toàn ngành cho hai tháng cuối năm.

Tuy nhiên, lãi suất tăng cao và triển vọng doanh nghiệp nhiều ngành (trong đó có bất động sản) kém tươi sáng,... đang gây áp lực lên nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Cổ phiếu “vua thép” Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tăng trở lại sau khi lao dốc trong tháng 10 và xuống đáy 2 năm vì gặp khó khăn và thua lỗ trong quý III đúng như dự báo. Sức cầu bắt đáy cổ phiếu HPG rất lớn, kỷ lục hơn 81 triệu cổ phiếu được sang tay trong một phiên ngày 1/11, khi cổ phiếu này xuống giá 15.000 đồng.

Giao dịch chung trên thị trường vẫn ở mức kém tích cực.

Tính tới 10h30 ngày 2/11, tổng cộng có hơn 2.800 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên sàn HoSE.

Thị trường chứng khoán Việt Nam thường biến động xấu vào tháng 11. Đây là giai đoạn ít thông tin và khối ngoại thường bán ròng.

Giới đầu tư đang chờ đợi thông tin về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sẽ được công bố vào rạng sáng 3/11. Nếu Mỹ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng USD có thể sẽ leo thang và qua đó ảnh hưởng tới nhiều thị trường tài chính trên thế giới.

Tỷ giá USD/VND tại Việt Nam gần đây ổn định trở lại sau khi tăng mạnh trong tháng 10.

Sáng 2/11, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm bớt 9 đồng xuống 23.688 đồng/USD, qua đó kéo giá trần mua bán USD tại hệ thống ngân hàng xuống còn 24.872 đồng/USD.