Trường đại học đầu tiên công bố quy chế tuyển sinh riêng áp dụng từ 2023
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:40, 02/11/2022
Theo quy định tại Thông tư 08 ban hành Quy chế tuyển sinh Đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục Mầm non được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2022, từ năm 2023, các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng Quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa Quy chế của Bộ GD&ĐT; công khai trên trang điện tử của cơ sở đào tạo. Tổ chức tuyển sinh theo Đề án và Quy chế đã ban hành.
Quy chế tuyển sinh đại học áp dụng từ năm 2023 của Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố là sự tích hợp giữa các quy định chung trong Quy chế Tuyển sinh của Bộ (Thông tư 08) và những yêu cầu đặc thù của trường.
Về cơ bản, Quy chế Tuyển sinh của trường kế thừa toàn bộ quy định về đối tượng tuyển sinh, điểm cộng ưu tiên, quy định tuyển thẳng, phương thức xét tuyển... từ Quy chế Tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trong đó có nội dung đáng chú ý là từ năm 2023, điểm cộng ưu tiên khu vực sẽ chỉ áp dụng 2 năm với những thí sinh được hưởng. Đó là năm tốt nghiệp và năm kế tiếp.
Nói về phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 và từ năm 2025, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết, trong thời gian tới nhà trường sẽ giữ chỉ tiêu tuyển sinh ổn định ở mức như hiện nay với phương thức xét tuyển chủ yếu sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp, tinh giản theo hướng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia Hà Nội và đại học Quốc gia TPHCM hoặc của các trung tâm khảo thí độc lập (nếu có) kết hợp Chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS…).
Điểm cộng ưu tiên đối tượng đối với thí sinh dưới 23 điểm được giữ nguyên; thí sinh từ 23 điểm trở lên sẽ giảm dần và được tính theo công thức:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên khu vực.
Chính vì vậy, điểm thuận lợi cho trường là tất cả các hình thức đào tạo (chính quy, vừa học vừa làm, sau đại học) đều được thể hiện trong một Quy chế.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, do Trường không tổ chức thi tuyển nên Quy chế tuyển sinh của trường không có nội dung này.
PGS Triệu cho rằng việc Bộ GD&ĐT khẳng định Quy chế tuyển sinh do Bộ ban hành năm 2022 có tính ổn định lâu dài, nên sẽ không còn tình trạng năm nào cũng ban hành quy chế như thời gian qua, sẽ giúp các trường chủ động công bố Đề án tuyển sinh sớm đến với thí sinh. Như vậy, thí sinh sẽ chủ động hơn trong lựa chọn xét tuyển nguyện vọng.