Điểm tin kinh doanh 2/11: 108 cây xăng hết hàng ở TP.HCM

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 02/11/2022

108 cây xăng hết hàng ở TP.HCM; giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp...

- 108 cây xăng hết hàng ở TP.HCM

Số cửa hàng "hết xăng còn dầu" hiện tương đương 80% con số cao điểm hôm 10/10, khi TP.HCM thiếu xăng trầm trọng nhất.

Tại Phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của TP.HCM chiều 1/11, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết tính đến 12h cùng ngày, có 108 cửa hàng thiếu xăng trên tổng số 550 cửa hàng trên toàn địa bàn. Những cửa hàng này vẫn mở cửa nhưng chỉ bán dầu, ngoài ra còn 4 cửa hàng khác đang tạm đóng cửa để sửa chữa.

Như vậy, số lượng cửa hàng thiếu xăng hiện nay tương đương gần 80% con số cao điểm hôm 10/10. Khi đó, TP.HCM có đến 137 cửa hàng hoạt động nhưng không có xăng để bán.

Vị lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng khó khăn hiện nay của TP xoay quanh một số vấn đề chính. Thứ nhất, nguồn cung xăng dầu đang thiếu hụt, đặc biệt khi đơn vị đầu mối lớn trước đây cung ứng 100.000 m3/tháng đã bị rút giấy phép.

- Giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp

Giá xăng dầu ngày 1/11 được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng trên cơ sở điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Đây là lần thứ ba liên tiếp giá xăng dầu tăng.

Theo đó, giá xăng E5 tăng 380 đồng/lít, giá bán là 21.870 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 410 đồng/lít, giá bán là 22.750 đồng/lít.

Giá dầu diesel tăng 290 đồng/lít, giá bán là 25.070 đồng/lít.

Dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán là 23.780 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ ngừng chi Quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 là 300 đồng/lít, dầu madut 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.

- Các ngân hàng trung ương mua vàng với khối lượng kỷ lục

Gần 400 tấn vàng đã được các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào trong quí 3, cao hơn gấp 4 lần so với một năm trước đó, theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC). Con số này đưa tổng khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua trong năm nay, tính đến tháng 9, lên mức 673 tấn, cao hơn so với bất cứ năm nào kể từ năm 1967.

Trong báo cáo công bố hôm 1-11, WGC cho biết trong quí 3-2022, các ngân hàng trung ương mua kỷ lục 399 tấn vàng, trị giá khoảng 20 tỉ đô la Mỹ trong nỗ lực đa dạng hóa tài sản trong kho dự trữ ngoại hối của họ.

Trong số những người mua lớn có các ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Qatar và Ấn Độ. Lượng mua vàng miếng và xu vàng cũng tăng vọt ở Thổ Nhĩ Kỳ lên 46,8 tấn trong quí vừa qua, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái, do người dân tăng mua vàng để phòng thủ lạm phát đang ở mức hơn 83%.

- Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn

Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ ra rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp phải dù cho kim ngạch xuất nhập khẩu tăng.

Đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu do hiện nay nước ta phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, nhất là các ngành dệt may, da giày, điện tử, nhựa… Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD trong xu hướng mất giá chung làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với nhiều nước khác (như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...).

Cùng với đó, các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, triển vọng đơn hàng cho quý 4/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Số lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 thấp hơn 25-50% so với quý 2/2022 tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.

- 20 tỷ phú giàu nhất thế giới mất gần 500 tỷ USD trong năm nay

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá cổ phiếu lao dốc, các "ông trùm" công nghệ như CEO Mark Zuckerberg và tỷ phú Jeff Bezos đều chứng kiến tài sản sụt giảm đáng kể.

Báo cáo tài chính quý III đầy thất vọng của các công ty công nghệ trong tuần trước đã làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái, đẩy giá cổ phiếu xuống thấp hơn và đánh thẳng vào tài sản ròng của giới tỷ phú công nghệ.

Theo Wall Street Journal, 20 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng gần 500 tỷ USD trong năm nay khi thị trường chứng khoán lao dốc. Con số này thậm chí còn lớn hơn giá trị của nhiều công ty lớn trên thế giới.

Theo Bloomberg Billionaires Index, trong số 20 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới, chỉ có hai người chứng kiến giá trị khối tài sản ròng tăng lên kể từ đầu năm.

Đó là ông Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance Ltd., chủ sở hữu ứng dụng TikTok và Robert Pera người sáng lập hãng sản xuất thiết bị không dây Ubiquiti Inc. và là chủ sở hữu của CLB Memphis Grizzlies.

Việt Báo (Tổng hợp)