Lái xe Ferrari tông chết người là ai, bao giờ phải ra trình diện?
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:14, 01/11/2022
Liên quan vụ va tai nạn giao thông giữa chiếc Ferrari và xe máy khiến 1 người tử vong, Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo báo cáo ban đầu, vụ tai nạn xảy ra khoảng 3h45 ngày 31/10, ô tô nhãn hiệu Ferrari mang BKS 80-3XX-NG-74 đang lưu thông trên đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bất ngờ va chạm với xe máy đi cùng chiều. Vụ va chạm khiến ông Lê Đình Hới (SN 1964, trú tại Hà Đông, Hà Nội) tử vong tại chỗ.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, bước đầu có thông tin tài xế điều khiển xe Ferrari là anh V., 25 tuổi, trú tại Hà Nội. Ngay sau tai nạn, người này đã rời khỏi hiện trường.
Cũng trong ngày 31/10, lực lượng chức năng đã trích xuất toàn bộ camera xung quanh sân Mỹ Đình và lấy dấu vân tay trên vô lăng xe để xác định người cầm lái. Bước đầu xác định người đàn ông bước ra từ vị trí ghế lái, sau đó rời đi.
Lái xe Ferrari rời khỏi hiện trường là ai?
Liên quan đến việc người lái xe Ferrari rời khỏi hiện trường vụ tai nạn, nhiều độc giả bày tỏ thắc mắc, sau bao lâu thì tài xế ô tô phải ra trình diện cơ quan công an?.
Bạn đọc Nguyễn Huy đặt câu hỏi, việc tài xế được rời khỏi hiện trường vụ tai nạn thì pháp luật không cấm, nhưng bao lâu thì phải lên cơ quan công an trình diện?.
Trong khi bạn đọc Nguyễn Quang Quyền nêu băn khoăn, hơn 1 ngày sau vụ tai nạn vẫn chưa thấy cơ quan chức năng công bố thông tin tài xế có sử dụng rượu bia, chất kích thích không?. Đồng thời đặt nghi vấn, thời điểm xảy ra vụ tai nạn vào sáng sớm, liệu người điều khiển xe Ferrari có vừa tàn "cuộc chơi" trở về?.
Bạn đọc Huy Minh bày tỏ ý kiến, đây là vụ tai nạn này thu hút sự quan tâm của dư luận, rất mong rằng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, điều tra đúng người, đúng tội và minh bạch trong thông tin sau điều tra.
"Tôi cho rằng, cơ quan công an chưa công bố danh tính lái xe chắc để phục vụ điều tra, còn khi đã có biện pháp tố tụng, sẽ phải công khai danh tính. Công an Hà Nội cần làm rõ ràng, minh bạch", bạn đọc Huy Minh bày tỏ.
Quy định về trình diện sau khi gây tai nạn giao thông
Liên quan đến việc trình diện cơ quan công an sau khi gây tai nạn giao thông, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật quy định, cứu giúp người bị nạn không chỉ là trách nhiệm về mặt đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý.
Những người gây tai nạn khi thấy người bị nạn phải cứu giúp, cần đưa họ đi cấp cứu. Trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm, đó sẽ là tình tiết tăng nặng và hình phạt có thể lên tới 10 năm tù.
Theo luật sư, sau khi gây tai nạn, người để xảy ra tai nạn chưa đến trình diện cơ quan chức năng do tâm lý chưa ổn định, nhưng họ đã thông tin cho cơ quan chức năng biết thì điều này được pháp luật cho phép.
“Người gây tai nạn có thể chậm trình diện vài hôm (nhất là trường hợp họ bị tấn công) và cũng không có quy định là họ được chậm trình diện trong bao lâu, nhưng phải trình diện sớm nhất", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, nếu tài xế gây tai nạn bỏ trốn, tìm cách trốn tránh trách nhiệm hay xoá dấu vết, đây sẽ là tình tiết tăng nặng.
"Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng nghi ngờ việc người gây tai nạn có nồng độ cồn hoặc ma túy, có thể áp giải họ đến làm việc để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.