Tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ tới châu Âu giữa lúc căng thẳng

Tin thế giới - Ngày đăng : 09:36, 01/11/2022

Một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, dẫn đầu là tàu sân bay USS Gerald Ford, dự kiến sẽ tới Portsmouth, miền nam nước Anh vào giữa tháng 11.
Tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ tới châu Âu giữa lúc căng thẳng - 1

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford đi qua Đại Tây Dương hồi tháng 3 (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Theo Tạp chí Quốc phòng Anh (UK Defense Journal), thời điểm chính xác nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, gồm tàu sân bay USS Gerald Ford cùng 7 tàu chiến khác, tới Portsmouth, vẫn chưa được công bố. Tạp chí cho biết, việc công bố thông tin vào thời điểm này "không phải là ý tưởng tốt nhất xét từ quan điểm an ninh".

Một số tàu trong nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ cập cảng tại căn cứ hải quân Portsmouth của Hải quân Hoàng gia Anh, trong khi tàu sân bay USS Gerald Ford sẽ phải ở bên ngoài do kích thước lớn.

Gerald Ford dài 333m, rộng 77m, lượng choán nước 100.000 tấn và là tàu sân bay lớn nhất của Mỹ. Tàu sân bay này có thể mang theo tối đa 90 máy bay quân sự các loại, bao gồm máy bay chiến đấu - ném bom thế hệ 5 F-35C.

USS Gerald Ford là tàu sân bay lớp Ford đầu tiên và cũng là tàu sân bay mới đầu tiên của Mỹ được thiết kế trong vòng hơn 40 năm qua. Việc đóng tàu chính thức bắt đầu từ tháng 11/2009 và được đưa vào biên chế năm 2017 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Hải quân Mỹ đã bắt đầu đóng 2 tàu sân bay lớp Ford tiếp theo là USS Kennedy và USS Enterprise.

Hải quân Mỹ đầu tháng 10 thông báo USS Gerald Ford và biên đội tàu hỗ trợ sẽ phối hợp hoạt động với các đồng minh và đối tác ở cả khu vực của hạm đội số 2 và hạm đội số 6 tại Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Thời gian triển khai sẽ ngắn hơn so với thời gian tiêu chuẩn 6 tháng.

Tàu USS Gerald Ford bắt đầu khởi hành vào ngày 4/10 từ Norfolk, bang Virginia, Mỹ. Tàu đã cập cảng quốc tế đầu tiên hôm 28/10 tại Halifax, Canada.

Theo Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Gerald Ford đã tiến hành các cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia ở Đại Tây Dương cùng với các đồng minh NATO gồm Canada, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan và Đức.

Sau khi rời Halifax, USS Gerald Ford sẽ tiếp tục "tiến hành huấn luyện và hoạt động cùng các đồng minh NATO và các đối tác để tăng cường khả năng phối hợp cho các hoạt động trong tương lai và thể hiện cam kết của Hải quân Mỹ đối với một khu vực Đại Tây Dương hòa bình, ổn định và không có xung đột".

Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, Chuẩn Đô đốc Greg Huffman, mô tả hoạt động triển khai này là "cơ hội để nâng cao hơn nữa khả năng tác chiến của tàu sân bay Gerald Ford và thể hiện những lợi thế mà Ford và Phi đoàn (CVW) 8 mang lại cho tương lai của hàng không hải quân, cho khu vực cũng như cho các đồng minh và đối tác của Mỹ".

Đội tàu USS Gerald Ford sẽ trở thành nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai của Mỹ ở vùng biển châu Âu. Trước đó, tàu USS George Bush và các tàu yểm trợ hiện diện ở Biển Adriatic sau khi tham gia cuộc tập trận răn đe và phòng thủ Neptune Strike của NATO ở Địa Trung Hải từ ngày 14-28/10.

Khi được hãng tin Sky News hỏi liệu nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Bush có sẵn sàng cho cuộc xung đột với Nga hay không nếu Mỹ đưa ra mệnh lệnh, chỉ huy tàu sân bay, Chuẩn Đô đốc Dennis Velez cho biết: "Tàu sân bay này, nhóm tác chiến này, cùng các đồng minh của chúng tôi: Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi thứ. Chúng tôi chứng minh điều đó mỗi ngày".

Sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga đã lên tiếng cảnh báo sau khi có thông tin khoảng 4.700 binh sĩ thuộc Sư đoàn dù 101 của quân đội Mỹ đã triển khai đến châu Âu.

Tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo "quân đội Mỹ càng tiến gần đến biên giới của Nga, chúng tôi càng gặp nguy hiểm hơn". Theo ông Peskov, "việc triển khai lực lượng như vậy trước cửa ngõ của Nga không góp phần vào sự ổn định".