Vì sao bệnh nhân sốt xuất huyết phải trả hàng trăm triệu đồng viện phí?
Tin Y tế - Ngày đăng : 20:42, 31/10/2022
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh - Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, khi bệnh nhân vào sốc sốt xuất huyết thì tiền viện phí để điều trị là tương đối cao, những bệnh nhân không có BHYT sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 31-10, bác sĩ Hoàng Anh cho biết tại khoa đang điều trị cho bệnh nhân L.T.K (22 tuổi, ngụ Vĩnh Long) với khoản viện phí gần 140 triệu đồng, bệnh nhân không có BHYT.
Ngày 22-10, bệnh nhân K. nhập viện trong tình trạng vào sốc sốt xuất huyết có suy gan, thận, xuất huyết, nhưng đo được huyết áp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành chống sốc cho bệnh nhân, truyền máu, thay huyết tương, dùng thuốc. May mắn, một tuần sau tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.
Tuy nhiên, gan của bệnh nhân hồi phục lâu nên phải nằm viện lâu, dẫn đến nhiễm trùng bệnh viện nghi ở phổi, phải dùng kháng sinh. Kèm theo đó, bệnh nhân phải lọc máu vì suy thận. Hiện bệnh nhân K. tiếp tục được điều trị tại khoa ICU.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại khoa ICU Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Mẹ bệnh nhân K. cho biết vì chủ quan, nghĩ rằng thanh niên trẻ khoẻ sẽ không có bệnh tật nên gia đình không mua BHYT cho K., đến khi nhập viện thì gia đình phải gánh một khoản tiền lớn. Gia đình phải vay mượn khắp nơi, từ họ hàng cho đến bạn bè cũng chỉ mới chi trả được 86 triệu đồng, còn nợ lại hơn 52 triệu đồng.
"Tôi chưa biết phải xoay ở đâu để trả, nhà có ba mẹ con, con trai lớn đi làm xa thu nhập chỉ đủ nuôi thân, tôi không có sức khoẻ nên làm bữa được bữa không. Không mượn được ở đâu nữa, chắc tôi sẽ bán nhà để lo cho con. Tôi rất ân hận vì đã chủ quan" - Mẹ K. chia sẻ.
Không may mắn như K., bệnh nhân T.T. (20 tuổi) vào khoa ICU vào ngày 4-10, trong tình trạng chỉ hơi mệt, vẫn giao tiếp bình thường nhưng đến chiều thì trở nặng, mạch huyết áp không đo được, tay chân tím tái, điều trị hơn một tuần thì tử vong.
Trong quá trình điều trị, bệnh viện diễn tiến bệnh ngày càng nặng, xuất huyết nhiều, suy gan, suy thận phải lọc máu liên tục, thay huyết tương, thở máy. Bệnh nhân T. chỉ qua được đoạn nguy kịch ban đầu, nhưng sau đó tình trạng suy tạng và xuất huyết kéo dài.
Bác sĩ Hoàng Anh cho biết bệnh nhân K. thay lọc máu mỗi ngày, thay huyết tương thì cách ngày. Mỗi lần lọc máu hết gần 20 triệu đồng, thay huyết tương thì hơn 10 triệu đồng/lần. Kèm theo đó là tiền thuốc, xét nghiệm và nhiều khoản khác, viện phí của bệnh nhân lên đến 700 triệu đồng, người nhà phải chi trả hoàn toàn vì không có BHYT.
Máy lọc máu sử dụng cho bệnh nhân nặng, nguy kịch
Ở ca bệnh thứ ba, bệnh nhân N.T.M.P. (33 tuổi, ngụ Đồng Nai) cũng vào sốc khi nhập viện, bệnh nhân phải đặt nội khí quản. Mỗi lần mở máy sẽ tốn 20 triệu đồng, chưa tính các chi phí để vận hành. Sau hai tuần điều trị, tình trạng của chị P. đã cải thiện, cai máy thở và được chuyển xuống khoa thường. Cũng như hai bệnh nhân trước, chị P. không mua BHYT nên phải tự chi trả hơn 267 triệu đồng viện phí.
Nhưng đến nay, gia đình vay mượn nhiều nơi, thậm chí họ hàng phải bán đất, bán nhà cũng chỉ mới chi trả được 168 triệu đồng, còn lại hơn 99 triệu đồng.
Lý giải về số tiền viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng, bác sĩ Hoàng Anh phân tích, khi bệnh nhân vào sốc thì phải dùng những phương pháp chữa trị đặc biệt hàng chục triệu đồng, những loại thuốc nặng lên đến tiền triệu mỗi liều, và các chế phẩm lọc máu cũng không rẻ. Số lượng sử dụng trong suốt quá trình là rất nhiều nên tiền viện phí cao là điều hiển nhiên.
"Nếu bệnh nhân có BHYT thì sẽ đỡ gánh nặng viện phí. Nhưng thật không may, rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng lại chủ quan, không mua BHYT dẫn đến gia đình lâm vào cảnh khó khăn" - bác sĩ Hoàng Anh cho biết.