Con đường từ nhà tù trở lại ghế Tổng thống Brazil của ông Lula da Silva
Tin thế giới - Ngày đăng : 14:01, 31/10/2022
Washington Post đưa tin, hôm 30/10, theo giờ địa phương, ông Luis Inácio Lula da Silva đã được bầu làm tổng thống tiếp theo của Brazil sau cuộc chạy đua gay gắt tại một trong những nước đông dân nhất trên thế giới. Ông nhận được 50,89% số phiếu bầu, tính đến thời điểm 99,76% số phiếu được kiểm, đánh bại đương kim Tổng thống Jair Bolsonaro, người có 49,11%.
Là cựu tổng thống và cựu lãnh đạo công đoàn, ông Lula đã có chiến dịch vận động nhằm vào việc duy trì các giá trị dân chủ, cho rằng việc giành chiến thắng trước ông Bolsonaro là điều tất yếu để duy trì nền dân chủ của Brazil.
Mới chỉ 3 năm trước, đối với ông Silva là những tháng ngày sống mòn mỏi trong phòng giam. Cựu Tổng thống Brazi lãnh đạo nước này từ năm 2003 đến năm 2010. Ông đã phải nhận án tù 12 năm vì tội tham nhũng trong năm 2018. Thời điểm đó, sự nghiệp chính trị của ông dường như đã kết thúc.
Ít ai ngờ rằng một ngày ông lại quay trở lại đấu trường chính trị, thậm chí một lần nữa bước lên cương vị tổng thống.
Lula da Silva là ai?
Được xem là một chính trị gia đầy lôi cuốn của Brazil, ông Silva sinh năm 1945 ở Pernambuco, miền Đông Bắc, trong một gia đình nông dân nghèo có 8 người con. Năm ông 7 tuổi, gia đình ông chuyển đến bang São Paulo để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo NPR, ông chưa bao giờ được ăn bánh mì trước năm đó.
Khi ở São Paulo, ông bỏ học và làm thợ đóng giày, rồi kiếm được việc làm tại một nhà máy phụ tùng ô tô. Ông bị mất ngón út bàn tay trái trong một tai nạn nghề nghiệp năm 17 tuổi.
Ông Silva bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình trong hoạt động công đoàn ở tuổi đôi mươi. Năm 25 tuổi, ông trải qua mất mát lớn khi người vợ Lourdes, đang mang thai 8 tháng, qua đời vì bệnh viêm gan. Ông tiếp tục công việc của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo công đoàn. Năm 1975, ông được bầu làm chủ tịch của hiệp hội công nhân ngành kim loại đầy quyền lực.
Ở vị trí này, Silva đã tổ chức một số cuộc đình công thách thức chính phủ Brazil, củng cố hình ảnh của mình như một biểu tượng của dân chủ và phong trào công nhân. Ông được so sánh với cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa.
Sự nghiệp chính trị sóng gió
Năm 1980, Silva và một nhóm công nhân, trí thức và nghệ sĩ thành lập Đảng Công nhân để phản ứng lại với chế độ quân sự lúc bấy giờ.
Ông đã tranh cử tổng thống ba lần trước khi được bầu vào năm 2002, trở thành một phần của phong trào “thủy triều hồng” tại Mỹ Latinh (làn sóng lãnh đạo cánh tả với tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc và đòi nhiều quyền lợi hơn cho người dân đồng loạt lên nắm quyền ở Nam Mỹ những năm 2000).
Trong thời gian Silva nắm quyền, Brazil trải qua một thời kỳ bùng nổ kinh tế do nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng cao. Chính phủ Brazil lúc đó đã được ghi nhớ với các chương trình phúc lợi xã hội khổng lồ, giúp 20 triệu người thoát khỏi đói nghèo, hồi sinh ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia và nâng tầm Brazil trên trường thế giới, bao gồm cả việc nước này trở thành chủ nhà đăng cai World Cup và Thế vận hội mùa hè.
Nhưng việc dính vào bê bối tham nhũng cũng khiến danh tiếng của chính quyền Silva bị tổn hại nghiêm trọng. Nhiều quan chức trong đảng Công nhân của ông bị cáo buộc nhận hối lộ. Silva cũng vướng nhiều cáo buộc, trong đó có cáo buộc nhận một căn hộ từ các công ty xây dựng đang đấu thầu hợp đồng chính phủ (tòa sau đó hủy bỏ hai cáo buộc này nhưng không khẳng định Silva vô tội).
Vào tháng 4/2018, cựu Tổng thống Brazil phải vào tù vì các tội danh tham nhũng nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra “Chiến dịch rửa xe” – kế hoạch hối lộ liên quan đến công ty dầu khí nhà nước Brazil Petrobras.
Ông Silva đã luôn khẳng định bị cáo buộc sai vì các động cơ chính trị.
Trong một biến động lớn của ngành tư pháp Brazil, tòa án tối cao Brazil đưa ra phán quyết không thể bỏ tù bị cáo các vụ án nếu kháng cáo của họ vẫn đang chờ xử lý. Quyết định này tác động lớn đến hàng nghìn tù nhân, trong số đó có Silva. Ngoài ra, thẩm phán Sérgio Moro trước đó được cho là đã bắt tay các công tố viên trong vụ án của cựu Tổng thống Silva, làm chệch hồ sơ và thiên lệch phán quyết để nhắm mục tiêu vào đảng của ông. Việc này vi phạm các quy tắc về thủ tục tố tụng.
Cuối cùng, ông Silva được trả tự do vào tháng 11/2019 sau khi ngồi tù 580 ngày.
Sự trở lại ngoạn mục
Theo New York Times, Silva thắng cử tổng thống một phần nhờ vào chiến dịch kiểu truyền thống. Ông đã đi khắp đất nước để tổ chức các cuộc mít tinh trực tiếp. Ông cũng có cách thể hiện khá an toàn, khi bỏ qua một cuộc tranh luận, chỉ đưa ra một số chi tiết cụ thể trong các đề xuất của mình và từ chối hầu hết các yêu cầu phỏng vấn.
Bên cạnh đó, ông đã xây dựng được một liên minh rộng lớn trong nhiều lĩnh vực cả chính trị và doanh nghiệp. Ông chọn một cựu thống đốc trung hữu, Geraldo Alckmin, người từng là đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2006, làm người đồng hành trong chiến dịch.
Silva dường như cũng được hưởng lợi từ cuộc tranh cử khi tổng thống đương nhiệm Bolsonaro không nhận được nhiều sự yêu thích. Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng một nửa số người Brazil nói sẽ không bao giờ ủng hộ ông Bolsonaro, khi ông đã khiến nhiều cử tri khó chịu với hàng loạt các tuyên bố sai lệch, các chính sách ảnh hưởng đến môi trường (trong đó có vụ rừng rậm Amazon bị cháy và bị khai thác), cách ông ứng phó với đại dịch COVID-19 và các cuộc đối đầu nhằm vào các đối thủ chính trị, các nhà báo, các thẩm phán và các chuyên gia y tế...
Nhìn chung, chiến dịch của ông Silva được xây dựng dựa trên lời hứa mà ông đã nhấn mạnh trong nhiều thập kỷ: Làm cho cuộc sống người nghèo tốt đẹp hơn.
Hiện đại dịch đã tàn phá nền kinh tế Brazil, mức lạm phát lên tới hai con số và số người phải đối mặt với nạn đói tăng gấp đôi lên 33 triệu người. Silva cam kết mở rộng mạng lưới an toàn, tăng lương tối thiểu, giảm lạm phát, cung cấp thức ăn và nhà ở cho nhiều người hơn và tạo việc làm thông qua các dự án cơ sở hạ tầng mới.
Celso Rocha de Barros, một nhà xã hội học nhận định: “Ông ấy là tổng thống chống đói nghèo và đó là di sản mà ông ấy sẽ muốn giữ nếu giành chiến thắng”.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch tương lai của Silva vẫn còn mơ hồ.
Khoảng thời gian này, nền kinh tế Brazil đang ngày càng ở trong tình trạng khó khăn hơn. Silva đề xuất đánh thuế cao đối với người giàu để có nhiều phúc lợi hơn cho người nghèo. Nhưng một số cử tri không thoải mái với các kế hoạch của ông sau khi các chính sách kinh tế của người kế nhiệm mà ông lựa chọn trong quá khứ, Dilma Rousseff, đưa Brazil rơi vào suy thoái.
Trong khi phong cách chính trị của Silva không thay đổi trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ sáu, ông cũng cố gắng hiện đại hóa hình ảnh của mình: Đề cập nhiều hơn đến phụ nữ, người da màu, các nhóm bản địa và môi trường trong các bài phát biểu, thậm chí còn hứa sẽ vận động cho “món salad hữu cơ”.
Theo một số chuyên gia, Silva được tôn sùng bởi hình ảnh nhân cách ông xây dựng trong hơn 4 thập kỷ, và ông nổi tiếng hơn nhiều so với đảng chính trị mà ông xây dựng.
Creomar de Souza, một nhà phân tích chính trị Brazil, cho biết các nền dân chủ chưa trưởng thành thường có thể xoay quanh một nhân cách duy nhất hơn là một phong trào hoặc một tập hợp các ý tưởng. Ông nói: “Một số nền dân chủ non trẻ đang đấu tranh để tiến thêm một bước. Và một cá nhân có thể trở thành phần quan trọng của cuộc chơi".