Bộ tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp Việt, có cả đạo đức kinh doanh
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:00, 30/10/2022
Bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) còn khá xa lạ với doanh nghiệp Việt. Yếu tố đạo đức kinh doanh cũng được đưa vào khía cạnh đánh giá công ty.
Báo cáo “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022” của Hãng Kiểm toán PwC mới công bố cho thấy, 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ((57%) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG, trong khi các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam vẫn đang “quan sát và chờ đợi”, với 58% cho biết họ có kế hoạch cam kết trong tương lai gần.
Lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG là hình ảnh thương hiệu và danh tiếng (chiếm 82% người tham gia khảo sát), tiếp theo sau là duy trì tính cạnh tranh (68%). Những yếu tố còn lại bao gồm: giữ chân người lao động; thu hút nhân tài; áp lực từ nhà đầu tư, cổ đông và Chính phủ.
Bộ tiêu chuẩn còn xa lạ với doanh nghiệp
ESG là bộ tiêu chuẩn về E-Environmental (môi trường); S-Social (xã hội); G-Governance (quản trị doanh nghiệp) trong quá trình vận hành công ty. ESG giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh trên. Đạo đức trong kinh doanh và hành vi cạnh tranh cũng được đưa vào nội dung đánh giá ở yếu tố quản trị. (bảng dưới).