Nga nói Mỹ hạ thấp ‘ngưỡng hạt nhân’ với kế hoạch ở châu Âu

Tin thế giới - Ngày đăng : 13:45, 30/10/2022

Ngày 29/10, Nga nói rằng việc tăng tốc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật B61 hiện đại hoá của Mỹ tại các căn cứ của NATO ở châu Âu sẽ hạ “ngưỡng hạt nhân” và Nga sẽ tính đến điều này trong kế hoạch quân sự của mình.
screen-shot-2022-10-30-at-84942-am-5543.png
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko. (Ảnh: Reuters)

Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân vẫn hoạt động, còn Mỹ có khoảng 200 vũ khí như vậy ở Ý, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, và Hà Lan.

Ngày 26/10, Politico đưa tin Mỹ đã thông báo trong một cuộc họp kín của NATO đầu tháng này rằng họ sẽ đẩy nhanh việc triển khai phiên bản hiện đại hoá của B61 là B61-12 đến các căn cứ ở châu Âu trong tháng 12 tới, sớm hơn vài tháng so với kế hoạch.

“Chúng tôi không thể bỏ qua kế hoạch hiện đại hoá vũ khí hạt nhân, những quả bom rơi tự do ở châu Âu”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với hãng tin RIA.

Những quả bom trọng lực B61-12 mang đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp hơn các phiên bản trước nhưng chính xác hơn và có thể thâm nhập xuống dưới lòng đất, theo báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ công bố năm 2014.

“Mỹ đang hiện đại hoá chúng, tăng tính chính xác và giảm lượng hạt nhân, để biến những vũ khí đó thành “vũ khí chiến trường”, từ đó hạ thấp ngưỡng hạt nhân”, ông Grushko nói.

Lầu Năm góc cho biết họ sẽ không bàn về chi tiết kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và nội dung trong bài viết của Politico không đúng, vì Mỹ đã có kế hoạch hiện đại hoá vũ khí hạt nhân B61 từ lâu.

“Hiện đại hoá vũ khí hạt nhân B61 của Mỹ đã diễn ra nhiều năm, và các kế hoạch hoán đổi các phiên bản cũ hơn lấy B61-12 một cách an toàn và có trách nhiệm là nỗ lực có kế hoạch từ lâu”, phát ngôn viên Lầu Năm góc Oscar Seara khẳng định.

“Điều này không liên quan gì đến những sự kiện gần đây ở Ukraine và không được đẩy mạnh theo bất kỳ cách nào”, phát ngôn viên khẳng định.

Cuộc xung đột ở Ukraine dẫn đến thế đối đầu gay gắt nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nói rằng Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình bằng mọi phương tiện có thể, nếu bị tấn công.

Phát biểu này gây lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân, nhất là sau khi Mátxcơva sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.

Ngày 6/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông Putin đưa thế giới gần “ngày tận thế” hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khủng hoảng tên lửa Cuba, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ sau đó nói rằng ông không nghĩ ông Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Nhà lãnh đạo Nga không đề cập đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng cáo buộc Ukraine âm mưu kích hoạt “bom bẩn”. Ukraine và phương Tây bác bỏ điều này.