Xin đặt 10 tỷ bảo lãnh, bà Nguyễn Phương Hằng có được tại ngoại?

Pháp luật - Ngày đăng : 07:20, 30/10/2022

Việc đưa ra yêu cầu đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn là quyền của bị can và người thân của bị can. Yêu cầu này có được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận hay không phải căn cứ vào quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, ngụ quận 7, là con trai của bà Nguyễn Phương Hằng) mới đây có đơn gửi Công an TP.HCM, VKSND TP.HCM, đề nghị được đặt 10 tỷ đồng nhằm đảm bảo, thay thế biện pháp tạm giam cho mẹ được tại ngoại để điều trị bệnh.

Trong đơn, ông Tuấn viện dẫn điều 7, Thông tư liên tịch số 06/2018TTLT-BCA-BQP-BTC-TANDTC ngày 7/8/2018 (Thông tư 06) về các điều kiện được áp dụng biện pháp ngăn chặn “đặt tiền để bảo đảm” nhằm thay thế biện pháp tạm giam và điều 122, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cho rằng mẹ mình có đủ điều kiện để được tại ngoại.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, quy định "đặt tiền để bảo đảm" trong tố tụng hình sự để một bị can đang bị tạm giam được thay đổi biện pháp thành ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong những nội dung mới, được quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015, nhưng trên thực tiễn ít được cơ quan tố tụng áp dụng.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại CQĐT. Ảnh Cơ quan công an cung cấp.

Theo luật sư, việc nộp tiền để được tại ngoại phải nộp công khai vào tài khoản mở tại kho bạc nhà nước, để bảo đảm cho việc chấp hành quy định trong thời gian cấm đi khỏi nơi cư trú, chứ không phải là khoản tiền tiêu cực, trao tay cho người có chức vụ quyền hạn.

Việc này phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo; bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm, có tình tiết giảm nhẹ (như tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với CQĐT, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại...);

Việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

Các trường hợp sau không đủ điều kiện để được áp dụng "đặt tiền để bảo đảm": Bị can, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

Bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm; Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; Phạm nhiều tội; Phạm tội nhiều lần.

Luật sư cho hay, việc đưa ra yêu cầu đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn là quyền của bị can và người thân của bị can. Yêu cầu này có được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận hay không phải căn cứ vào quy định của pháp luật.

Trong đó, những trường hợp người phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, nhưng có căn cứ cho thấy bị can thả ra sẽ tiếp tục phạm tội, có thể bỏ trốn, có thể cản trở hoạt động điều tra thì sẽ không được thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Ngoài ra Điều 7 của Thông tư 06 cũng ghi rõ trường hợp bị can phạm tội nhiều lần cũng không được áp dụng biện pháp ngăn chặn là đặt tiền để đảm bảo.

Bởi vậy, trong vụ việc đối với bà Nguyễn Phương Hằng, nếu CQĐT đang điều tra về hai vụ án gộp lại, xác định là hành vi phạm tội nhiều, thì sẽ không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp này.

Bị can nộp bao nhiêu tiền thì được tại ngoại?

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06, cơ quan điều tra, VKS, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới: 30 triệu đồng với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Đặng Văn Cường

Tuy nhiên, trong một số trường hợp cơ quan điều tra, VKS, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng.

Thực tế, biện pháp "đặt tiền để bảo đảm" là biện pháp được áp dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều có thể áp dụng biện pháp này. Biện pháp "đặt tiền để bảo đảm" chỉ có thể được áp dụng đối với một số vụ án hình sự thuộc tội ít nghiêm trọng, tình tiết rõ ràng và có căn cứ cho thấy bị can không tiếp tục phạm tội, không bỏ trốn, không cản trở hoạt động điều tra...

"Ở Việt Nam, quy định “đặt tiền để đảm bảo” còn một số nội dung dễ có nhiều cách hiểu khác nhau và việc liên quan đến tiền bạc sẽ rất nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực hoặc những suy nghĩ tiêu cực, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng", Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho biết.